Lồng ghép giới trong tái định cư: Chúng ta đã cố hết sức chưa?

|

This page in:

Một phụ nữ người Thái tại buổi lấy ý kiến về dự án thuỷ điện
Trung sơn.  Photo: Bồ Thị Hồng Mai / Ngân hàng Thế giới


Tháng 8 năm 2016, tôi đến Quảng Ngãi, một tỉnh miền Trung Việt Nam, nhằm thu thập số liệu điều tra về sự tham gia của phụ nữ trong quá trình tái định cư. Tôi nghĩ cuộc họp đầu tiên với người dân địa phương sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, nhưng thực tếkhông hẳn như vậy.

“Phụ nữ á? Chúng tôi tham gia á? Tham gia cũng thế thôi. Chúng tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, nên không quan tâm đến việc cán bộ đến và hỏi chúng tôi tham gia hay không,” một phụ nữ nói. “Cái chúng tôi muốn biết là những kiến nghị hôm nay sẽ được thực hiện đến đâu. Chúng tôi cần một khu tái định cư, nhà văn hoá chung cho cộng đồng, cần có cây cối và nhà trẻ như đã hứa khi chuẩn bị dự án.”

Những ý kiến đó hé lộ một vấn đề quan trọng. Đó là sự lệch pha giữa cái mà ta tưởng là phụ nữ muốn và nhu cầu thực sự của họ.

Phụ nữ chịu tác động nghiêm trọng hơn nam giới trong quá trình tái định cư bởi họ phải đối đầu với nhiều khó khăn trong vấn đề ổn định gia đình. Điều này càng dễ thấy nếu không có cơ chế thu hút sự tham gia và lấy ý kiến phụ nữ một cách thực chất trong quá trình thực hiện dự án nói chung và trong quá trình tái định cư nói riêng.

Kết quả sơ bộ điều tra của chúng tôi cho thấy người dân có một số định kiến về năng lực và chất lượng tham gia của phụ nữ. Tại các cuộc họp, phụ nữ thường bị coi là thụ động, ít khi có ý kiến riêng. Những quan niệm truyền thống về phân công lao động ngăn cản phụ nữ tham gia và cho ý kiến về tái định cư một cách hiệu quả, do nam giới mặc nhiên được coi là thích hợp hơn với các cuộc họp về vấn đề này.

Quan niệm chung cũng cho rằng nam giới hiểu và tiếp cận thông tin thị trường đất đai tốt hơn. Rõ ràng rằng những định kiến này đã dẫn đến tỉ lệ phụ nữ tham gia cho ý kiến về tái định cư thấp, ví dụ khi cần ra quyết định về thiết kế (nhà tái định cư), thời gian xây dựng, kinh phí, v..v.

Không tính đến  nhu cầu của phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại của các chương trình tái định cư. Một phụ nữ tái định cư tại Sơn La cho biết: “Cán bộ dự án đến và thuyết phục chúng tôi chuyển nhà đến nơi ở mới để xây dựng mạng điện quốc gia. Nhưng chúng tôi chả ai muốn đi. Ai cũng khóc, tôi cũng thế.”

Tuy nhiên, lồng ghép giới trong tái định cư là có thể thực hiện được. Nó có thể làm giảm phần nào khó khăn nảy sinh khi phải dời khỏi nơi ở cũ và giúp quá trình tái định cư được thực hiện suôn sẻ hơn. Kinh nghiệm tại dự án thuỷ điện Trung Sơn do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho thấy lồng ghép giới vào quá trình tái định cư có thể mang lại hiệu quả tích cực. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án Giới và Năng lượng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các hoạt động sau đã được thực hiện:

  • Thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận tiền bồi thường trong kế hoạch tái định cư;
  • Tăng cường hệ thống giám sát các hoạt động cải thiện sinh kế, nâng cao năng lực thu thập và báo cáo số liệu về các vấn đề giới cho cán bộ dự án thuỷ điện Trung Sơn;
  • Nâng cao tỉ lệ tham gia của phụ nữ vào các hoạt động sinh kế;
  • Rà soát nội dung và phương pháp tập huấn, hướng dẫn hội phụ nữ huyện sử dụng tài liệu và phương pháp tập huấn đó;
  • Xây dựng và thí điểm thành công các giải pháp tiết kiệm, sáng tạo, phù hợp nhằm tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương (cộng đồng người H’mong), cung cấp cho họ thông tin về tác động của dự án bằng tiếng dân tộc.

Như vây, tái định cư phải mang lại cơ hội mới chứ không phải khó khăn. Đây là lúc chúng ta cần củng cố phương pháp tiếp cận và đẩy mạnh thực hiện. Chương trình tái định cư chỉ được coi là thành công khi nó  góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ chinh quyền các cấp và  mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới về sở hữu đất đai, tiếp cận thông tin, và giúp học có được kĩ năng và nguồn lực cần thiết để tham gia có hiệu quả vào quá trình ra quyết định.

Authors