Published on Let's Talk Development

Ngẫm lại Krugman

This page in:

Như đã chia sẻ ở blog trước, tôi mới hoàn thành chuyến công tác thú vị tới Việt Nam. Tại đây, tôi đã đề xuất rằng thúc đẩy hội nhập khu vực Đông Nam Á có thể là một chiến lược phát triển triển vọng cho đất nước này cũng như cho các nước khác trong khu vực. Nhưng tôi cũng nhận được những phản ứng mạnh mẽ gần như tức khắc rằng: Chúng tôi quá giống nhau nên không thể hòa nhập được. Chúng tôi đều sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tương tự như nhau. Chúng tôi thậm chí còn là đối thủ cạnh tranh, làm sao có thể hòa nhập?

Những câu hỏi này khiến tôi nhận ra có lẽ đã đến lúc quay trở lại những năm 1970 và xem xét lại những phân tích của Krugman về vấn đề này. Đây là một công trình đã giúp Krugman giành giải Nobel về kinh tế năm 2008, tuy nhiên có vẻ như các nhà hoạch định chính sách ngày nay không chú tâm nhiều đến nó.

Những nghiên cứu của Krugman khởi nguồn từ quan sát rằng rất nhiều giao dịch thương mại sau Thế chiến II được thực hiện giữa các quốc gia có nhiều điểm tương đồng (ví dụ: Pháp và Đức) và giao thương các sản phẩm tương tự nhau (ví dụ: ô tô). Điều này thật khó để dung hòa với học thuyết thương mại truyền thống. Theo lý thuyết truyền thống, các quốc gia giao thương với nhau vì họ khác biệt - ví dụ, một quốc gia giàu vốn và có lao động tay nghề cao như Mỹ sẽ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và nhập khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động giá rẻ, tay nghề thấp, trong khi một đất nước như Bangladesh sẽ làm điều ngược lại. Đây là học thuyết về “lợi thế so sánh”. Tuy nhiên, Krugman đã chỉ ra có một nguyên nhân khác thúc đẩy giao thương giữa các quốc gia: để tận dụng lợi thế của kinh tế quy mô. Hàng hóa và dịch vụ được sản xuất với số lượng lớn sẽ có giá thành rẻ hơn. Nhờ có thương mại quốc tế, các nước thay vì sản xuất quy mô nhỏ để phục vụ thị trường trong nước thì có thể mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ thị trường thế giới. Ví dụ, thay vì sản xuất xe Peugeot chỉ dành riêng cho thị trường trong nước, Pháp có thể sản xuất số lượng lớn xe ô tô với chi phí thấp hơn cho cả thị trường châu Âu rộng lớn. Đức cũng làm điều tương tự đối với xe Volkswagen. Người tiêu dùng quan tâm đến cả giá thành cũng như sự đa dạng. Thương mại quốc tế đem lại hai lợi ích: kinh tế quy mô dẫn đến giá thành thấp hơn và giao dịch thương mại dẫn đến sự đa dạng về sản phẩm (ví dụ: các mẫu xe khác nhau), cho dù giao dịch đó được thực hiện giữa các quốc gia có nhiều tương đồng và các sản phẩm tương tự.

“Học thuyết thương mại mới” này trở thành mô hình chính thống trong giới kinh tế học thuật. Tuy nhiên sau đó, lý thuyết về lợi thế so sánh đã quay lại một cách ấn tượng trong thực tế. Nhờ có tự do hóa thương mại ồ ạt ở nhiều nước đang phát triển trong những năm 1980 và 1990 kết hợp với chi phí vận chuyển và trao đổi thông tin thấp, các nước này đã hội nhập vào hệ thống thương mại thế giới. Tiếp theo đó là sự bùng nổ chưa từng có của thương mại thế giới và sự gia tăng hoạt động thương mại giữa các quốc gia khác biệt, cụ thể giữa các nước phát triển và đang phát triển, đối với các mặt hàng khác nhau. Xu hướng mới này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết truyền thống về lợi thế so sánh: các nền kinh tế tiên tiến chuyên về xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng kỹ năng cao (ví dụ: máy móc, dụng cụ đòi hỏi sự chính xác), trong khi các nước đang phát triển xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng kỹ năng thấp (ví dụ: may mặc hoặc giày dép).

Các ý kiến từ Việt Nam cho thấy sự hồi sinh của quan điểm dựa trên lợi thế so sánh, theo đó cho rằng sự khác biệt giữa các quốc gia là một điều kiện quan trọng đối với thương mại. Tuy nhiên, mô hình thương mại này có thể phải chịu áp lực ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Sự hội nhập của các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại thế giới phần lớn là kết quả của các chính sách thương mại mở bao gồm tự do hóa đơn phương ở nhiều quốc gia, các hiệp định thương mại quốc tế và tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Căng thẳng thương mại gia tăng và sự bất ổn ngày càng cao về tương lai của chủ nghĩa đa phương đặt ra nhiều câu hỏi cho số phận của các chính sách mở toàn cầu. Cùng với đó, giao dịch thương mại giữa các quốc gia khác biệt trong tương lai cũng tiềm ẩn nhiều bất trắc.

Trước bối cảnh đó, đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại lý thuyết của Krugman. Lập luận ủng hộ hội nhập khu vực là ủng hộ thương mại dựa trên kinh tế quy mô và việc coi trọng sự đa dạng của người tiêu dùng. Mô hình này sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia mà không đòi hỏi sự khác biệt. Thay vì xem nhau là đối thủ cạnh tranh, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có thể nghiên cứu lại  lý thuyết của Krugman.


Authors

Pinelopi Goldberg

Former Chief Economist, World Bank Group

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000