Published on Let's Talk Development

Nhìn lại thành công và thách thức với Việt Nam

This page in:
City view, Vietnam ©Nguyen Khanh / World Bank City view, Vietnam ©Nguyen Khanh / World Bank

Tôi vừa hoàn thành chuyến công tác tới Việt Nam, một quốc gia ấn tượng, xét về cả những thành tựu Việt Nam đạt được và cả vai trò của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong việc thúc đẩy những thành tựu này.

Những thành công Việt Nam đạt được kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986 rất đáng nể. Nhờ chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Á. Kể từ khi bắt đầu tiến trình này, Nhóm Ngân hàng Thế giới luôn đồng hành với Việt Nam với vai trò là một đối tác quan trọng. Tôi có thể nhận thấy sự bền chặt trong quan hệ hợp tác 25 năm qua giữa Nhóm Ngân hàng Thế giới và Việt Nam tại tất cả các buổi gặp gỡ với các đối tác ở đây. Nhiều người cho biết chính những điều kiện đi kèm khi vay vốn của Ngân hàng Thế giới là một phương tiện quan trọng thúc đẩy Việt Nam thực hiện các tiến trình cải cách phức tạp, tập trung vào các hành động quan trọng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.

Mặc dù đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, nhưng mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng. Việt Nam hiện đang tập trung vào khâu sản xuất hạn chế, nghĩa là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, yêu cầu tay nghề lao động thấp. Trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng trong nước và cải thiện thu nhập bình quân đầu người, đồng thời cần chuyển đổi sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Tuy nhiên việc chuyển tiếp này tạo ra thách thức lớn hơn so với việc tiếp tục thành công ở mức độ sản xuất cơ bản. Đồng thời, môi trường quốc tế sôi động thường là một xúc tác quan trọng hỗ trợ tiến trình chuyển đổi này, nhưng bối cảnh toàn cầu lại đang chứng kiến nhiều biến động và căng thẳng.

Có bốn chương trình hành động mà Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết những thách thức nội tại và ngoại vi.

  • Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong tương lai đòi hỏi cần phải thực hiện một chương trình nghị sự tham vọng trong các lĩnh vực chính sách trọng yếu như: cải cách chính sách trong nước sâu hơn; đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện, tái đào tạo và duy trì nguồn nhân lực; xây dựng khuôn khổ hợp tác cho các giải pháp đối phó với thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có một số lĩnh vực đặc thù của Việt Nam nhưng cũng có nhiều nội dung chung mà tất cả các quốc gia có thu nhập trung bình đều phải đối mặt. Việt Nam có thể rút ra những bài học từ thành công và thất bại của các nước đi trước để xây dựng chính sách cho mình. Việt Nam có thể tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực nếu các nhà lãnh đạo đất nước thể hiện quyết tâm chính trị cao về các chương trình hành động cần thiết.
  • Ngoài các nội dung cải cách lớn cũng có nhiều bước đi nhỏ mà Việt Nam có thể thực hiện ngay, ví dụ như các chương trình hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước hoặc các sáng kiến ​​chứng chỉ quốc tế hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với FDI và tạo điều kiện chuyển giao tri ​​thức. Những nội dung như vậy có thể xác định dễ dàng qua các hoạt động nghiên cứu và phân tích dữ liệu, với điều kiện các nhà nghiên cứu và đối tác phát triển có thể tiếp cận nguồn dữ liệu của Chính phủ.
  • Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động xấu, điều quan trọng là Việt Nam cần tránh được sự cám dỗ của xu hướng bảo hộ mậu dịch. Mặc dù viễn cảnh lâu dài về xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu chưa rõ ràng nhưng thị trường Đông Nam Á rộng lớn trong khu vực là một tiềm năng sẵn có. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đã mở cửa trong nhiều thập kỷ. Việc tạo ra một thị trường khu vực rộng lớn, tương tự như cách thức EU đã làm với các quốc gia châu Âu, có thể sẽ mang lại những tác động tăng trưởng tích cực đối với các nước thành viên. [Để hiểu thêm tính hợp lý của gợi ý này, hãy đọc blog khác của tôi: Ngẫm lại Krugman]. Việt Nam có thể dẫn dắt khối ASEAN trong nỗ lực này, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Mặc dù ngành dịch vụ đòi hỏi một chương trình hội nhập sâu rộng hơn nhiều so với sản xuất nhưng đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thể nghĩ lớn và đưa ra một đối trọng cho xu hướng bảo hộ ở các khu vực khác trên thế giới. Thời khắc cơ hội đã đến khi Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong tháng 10 tới đây.
  • Cuối cùng, Việt Nam cần thúc đẩy các chương trình về bền vững và chia sẻ thịnh vượng. Việt Nam mong muốn trở thành một nền kinh tế hiện đại, và để làm được như vậy, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà các nước tiên tiến hiện đang gặp phải. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần nhìn xa hơn các nội dung về tăng trưởng và cần chú ý tới các chương trình về dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, đô thị hóa và hạn chế của hạ tầng giao thông, ô nhiễm không khí, thích ứng biến đổi khí hậu. Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo ra tăng trưởng và thu nhập cao hơn, đồng thời  những kinh nghiệm này có thể trở thành bài học cho các nước khác.

Trong tất cả các lĩnh vực trên, Nhóm Ngân hàng Thế giới đều có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua các kinh nghiệm chuyên môn và phân tích. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và để chuyển đổi sang kinh tế hiện đại tiên tiến, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, thay vì tập trung vào tăng trưởng nóng ngắn hạn.


Authors

Pinelopi Goldberg

Former Chief Economist, World Bank Group

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000