Nhân Ngày Quốc tế Thanh niên 12 tháng 8, chúng ta cùng nhìn lại những tiến bộ đã đạt được trong việc đảm bảo con đường kinh tế tốt hơn cho thanh niên Việt Nam. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải tận dụng tất cả tiềm năng vốn con người qua việc xây dựng nền giáo dục đào tạo chất lượng cao và tạo cơ hội việc làm tốt hơn nhằm đáp ứng nguyện vọng cũng như tài năng của thế hệ trẻ ngày nay.
Theo ILOSTAT, tại Việt Nam, năm 2021 chỉ có 9% nghề đòi hỏi tay nghề cao. Trong khi đó, cũng dữ liệu từ ILOSTAT cho thấy các công việc đòi hỏi tay nghề cao chiếm hơn một nửa số nghề nghiệp ở Vương quốc Anh. Tại nước láng giềng Singapore, gần 65% người lao động có tay nghề cao (dữ liệu không bao gồm những việc làm không được phân loại).
Tại sao những số liệu này lại có ý nghĩa quan trọng? Thực tế, những số liệu này rất quan trọng bởi để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu việc làm sang các hoạt động năng suất, thâm dụng kiến thức và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Các hoạt động đó yêu cầu sử dụng kỹ năng ở mức độ cao, như giải quyết vấn đề phức tạp, đưa ra quyết định, sáng tạo và giao tiếp hiệu quả. Các công việc trong ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển với mức thu nhập cao hơn.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng hơn nữa, phần lớn lực lượng lao động ở Việt Nam cần chuyển đổi dần khỏi những công việc lao động chân tay mang tính lặp lại. Những chiến lược đã đưa Việt Nam chuyển đổi từ mức thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình từ trước đến nay có thể sẽ không còn là động lực phù hợp trong giai đoạn phát triển kinh tế sắp tới.
Công ăn việc làm ở Việt Nam chủ yếu vẫn đòi hỏi tay nghề thấp và trung bình. Việt Nam hiện có trình độ học vấn cao, tuy nhiên, những công việc đòi hỏi trình độ cao tăng không đáng kể và tăng chậm hơn các công việc đòi hỏi kĩ năng trung bình.
(Data source: Vietnam 2022 Poverty and Equity Assessment)
Theo Chỉ số Vốn con người được hiệu chỉnh theo mức độ sử dụng (U-HCI) của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng vốn con người của Việt Nam chưa được sử dụng hiệu quả. Điểm Chỉ số Vốn con người của Việt nam giảm đáng kể, từ 0,69 xuống 0,37, phản ánh số lượng công việc chất lượng cao còn hạn chế - hay tiềm năng vốn con người của đất nước sử dụng chưa hiệu quả.
Tại sao thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn cao lại chưa làm những công việc đòi hỏi tay nghề cao?
Việc làm cho thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố cung và cầu. Về phía cung, có thể những kỹ năng, kiến thức thu được từ giáo dục không phù hợp với những kiến thức cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại. 1/5 số công ty tham gia khảo sát năm 2019 cho biết trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt là lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh đó, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cũng làm tăng nhu cầu cho các kỹ năng hoàn toàn khác so với những gì được dạy ở trường theo phương thức truyền thống.
Về phía cầu, thị trường việc làm hiện tại có ít công việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và chưa đủ sức cạnh tranh do thiếu quy mô trong việc tiếp cận công nghệ và đầu tư. So với các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, các doanh nghiệp Việt Nam cần sáng tạo và nhanh nhạy hơn trong việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Việc chuyển đổi nhằm tăng lao động tay nghề cao đòi hỏi phát triển khu vực tư nhân sáng tạo và cạnh tranh hơn.
Việt Nam có thể làm gì để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi tay nghề cao?
Việt Nam cần tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học. Việc giảm khoảng cách trong khả năng tiếp cận giáo dục cho các nhóm kinh tế xã hội khác nhau có thể giúp tăng tỷ lệ phổ cập giáo dục đại học. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao mức độ sẵn sàng học tập, tăng cường hỗ trợ tài chính và các chương trình tiếp cận cộng đồng ở những khu vực khó khăn.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi phải cập nhật giáo trình, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng theo yêu cầu như kỹ năng quản lý, cảm xúc xã hội hoặc kỹ thuật xử lý công việc cụ thể. Bên cạnh đó, các chính sách tăng ngân sách cho nghiên cứu, cải thiện đãi ngộ đối với các nhà giáo dục, đầu tư đồng bộ cho kiểm định quốc tế và các chương trình hợp tác, trao đổi cũng sẽ giúp củng cố hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa bên sử dụng lao động và các cơ sở giáo dục đào tạo để đảm bảo phát triển kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Các chính sách được thiết kế hợp lý sẽ khuyến khích người sử dụng lao động tích cực tham gia hơn vào công tác đào tạo tại doanh nghiệp.
Để giải quyết những hạn chế về phía cầu, các chính sách cần hướng tới thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và tạo ra việc làm tốt hơn. Bằng cách chia sẻ bí quyết và thông tin về việc ứng dụng công nghệ mới, chính phủ có thể giúp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng có thể khuyến khích đổi mới nhiều hơn thông qua việc đầu tư vào phát triển công nghệ, nghiên cứu, thương mại hóa và chuyển giao kiến thức giữa các doanh nghiệp. Phân tích chi tiết về các khuyến nghị chính sách này được trình bày trong Báo cáo Đánh giá Thực trạng Nghèo & Bình Đẳng của Việt Nam năm 2022 và Báo cáo Điểm lại - “Giáo dục để Tăng trưởng”.
Để đạt được khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải có chính sách hành động ngay hôm nay. Việc đảm bảo người lao động có kỹ năng phù hợp và khu vực tư nhân có thể cung cấp việc làm thỏa đáng chính là yếu tố then chốt để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tay nghề cao, thu nhập cao.
Join the Conversation