Vệ sinh môi trường mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường an toàn cho phụ nữ và các em gái, đó là chưa kể đến những ích lợi kinh tế tuyệt vời mà vệ sinh mang lại. Nhưng nếu muốn tận dụng được hết những lợi ích đó thì cần phải có các cách tiếp cận mới áp dụng trên qui mô rộng và thúc đẩy tiếp cận bình đẳng. Như Eddy Perez, Chuyên gia trưởng về vệ sinh môi trường, Chương trình Nước sạch và Vệ sinh của Ngân hàng Thế giới, đã chia sẻ trong blog gần đây gây về quá trình loại bỏ bất bình đẳng và giúp mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ đòi hỏi một sự chuyển đổi và từ bỏ cách làm theo lối mòn cũ. (Đọc bài viết bằng Tiếng Anh: Tại sao và bằng cách nào các nước có thể phấn đấu hoàn thành mục tiêu vệ sinh nông thôn cho toàn dân vào năm 2030) và Khắc phục cung ứng dịch vụ vệ sinh cho người nghèo tiến tới hoàn thành mục tiêu kép).
Như Eddy đã nhấn mạnh trong blog thứ hai của mình, tại Việt Nam có một mối tương quan địa lý giữa tình trạng thiếu vệ sinh và tỉ lệ nghèo và còi xương. Tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tỉ lệ nghèo và còi xương cao, cũng là nơi có tỉ lệ tiếp cận vệ sinh môi trường thấp nhất Việt Nam. Khoảng 21% dân số nông thôn đi vệ sinh ngoài trời. Nhưng ngoài thực tế đó ra còn một khía cạnh khác nữa trong bất bình đẳng vệ sinh – đó là sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc. Tại vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỉ lệ sử dụng vệ sinh ngoài trời là 31% trong nhóm dân tộc thiểu số.
Bài học quan trọng nhất tại Việt Nam và các nước khác cho đến nay là không thể xóa bỏ tình trạng đi vệ sinh ngoài trời chỉ bằng việc xây dựng nhà vệ sinh. Điều quan trọng là phải thay đổi hành vi tại cộng đồng bằng các biện pháp can thiệp hợp lý, dựa trên chất lượng và bằng chứng cụ thể. Một điểm dễ thấy nữa là phương pháp tiếp cận phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể tại địa phương, và phải chú ý đến các yếu tố địa phương, ví dụ văn hóa của từng dân tộc.
Bài học quan trọng thứ hai là cần có ý chí chính trị và sự chỉ đạo kiên quyết từ cấp cao nhất, đến cấp tỉnh cùng với quyết tâm từ phía cơ quan quản lý hành chính địa phương thì mới có thể thành công và duy trì kết quả lâu dài.
Việt Nam là một trong những nước cam kết xóa bỏ tình trạng đi vệ sinh ngoài trời vào năm 2025. Muốn đạt được mục tiêu đó cần hai điều kiện. Thứ nhất, tất cả các bên liên quan phải bắt tay cùng nhau và quyết tâm giải quyết vấn đề. Thứ hai, cần sự vào cuộc của các chuyên gia hàng đầu, ví dụ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân-đôn, một cơ sở có tiếng trên thế giới về kinh nghiệm thiết kế dựa trên hành vi nhằm đề ra các phương pháp tiếp cận thực sự sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế, tiến tới thay đổi và duy trì hành vi vệ sinh môi trường trên diện rộng.
Nhân Ngày Nhà tiêu Thế giới, các bạn hãy cùng chúng tôi thảo luận làm thế nào để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người tại Việt Nam. Hãy chia sẻ với chúng tôi!
Join the Conversation