Việt Nam cần làm gì để trở thành cường quốc kỹ thuật số

This page in:
Smart city in Vietnam. Smart city in Vietnam.

Cách mạng kỹ thuật số chưa bao giờ chỉ là tạo ra những công nghệ đột phá. Các quốc gia hàng đầu về đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này như Mỹ và Trung Quốc sở hữu gần 2/3 số bằng sáng chế CNTT mới và các công nghệ liên quan đến máy tính đăng ký hàng năm.[1] Tuy nhiên, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ không được quyết định bởi động lực đổi mới, sáng tạo mà là năng lực của quốc gia trong việc tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển.

Để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới. Cho đến nay, Việt Nam đã làm việc này rất tốt. Ngày nay, Việt Nam được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động (hình 1) và người dân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty CNTT hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,…  Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980, và gần đây là Trung Quốc.

Báo cáo Điểm lại gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số như mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng XIII thông qua vào tháng 2 năm 2021. Chính phủ cần tập trung giải quyết 3 thất bại của thị trường bằng những giải pháp thông minh. Xin nhắc lại là thất bại của thị trường hạn chế khả năng đạt được kết quả tối ưu mà lẽ ra có thể đạt được với những nguồn lực sẵn có.[2] Khi đó, xã hội có nhiệm vụ khắc phục sự thất bại này, đồng nghĩa với việc Việt Nam cần đảm bảo sự phát triển của lực lượng lao động có kỹ năng kỹ thuật số, sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước năng động và tích cực, cùng với khả năng tiếp cận thông tin tốt và an toàn.

Đầu tiên là đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số (hình 2). Đây là giải pháp trọng tâm vì có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa.[3] Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này sẽ đòi hỏi nhiều  kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối. Điều này sẽ khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng người lao động có thể không có thông tin hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư vào con đường học vấn dài hơn. Với tốc độ hiện tại, Việt Nam có thể mất 25 năm để có số lượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học như tại Thái Lan hiện nay. Ở các quốc gia thành công, chính phủ đã giải quyết thất bại này của thị trường bằng cách (i) loại bỏ các trở ngại pháp lý đối với dịch chuyển lao động; (ii) cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để họ biết khi ra quyết định; (iii) nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; và (iv) hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học những kỹ năng mới.

Vietnamese are using cell phones but have limited digital skills
Nhiều người Việt Nam sử dụng điện thoại di động nhưng kỹ năng kỹ thuật số còn hạn chế. Nguồn: Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới, tháng 8/2021

Nguồn: Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới, tháng 8/2021

Giải pháp thứ hai là phải đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn. Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, Chính phủ cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh khi một số thị trường gần như bị thống trị một cách tự nhiên bởi những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật số do nắm giữ bí quyết, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô. Đã có thể thấy sự tập trung như vậy trong thị trường băng thông rộng cố định và tăng mạnh trong truyền thông xã hội (với sự thống trị của Facebook) và các phân ngành kỹ thuật số khác, như thương mại điện tử, fintech, tài chính kỹ thuật số và quản lý dữ liệu. Cần có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng. Đồng thời, ở khía cạnh khác, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ và có tài năng đang gặp khó khăn về tài chính bằng việc cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ như đã được thực hiện thành công ở một số quốc gia khác, trong đó có Singapore.

Giải pháp thứ ba và cũng là giải pháp cuối cùng là Chính phủ cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin. Theo định nghĩa, đây là một hàng hóa công vì lợi ích của việc chia sẻ thông tin thường cao hơn chi phí thu thập thông tin đó. Chính phủ có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến ​​dữ liệu mở - trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng. Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước. Tất cả những hoạt động này cũng nên tính đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu và người dùng dữ liệu.

Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục 3 thất bại thị trường này để đưa đất nước tiến lên trên con đường hướng tới những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hết sức cẩn trọng để Chính phủ không tạo ra những thất bại mới cũng như những can thiệp có mục đích tốt nhưng sai lầm của Chính phủ có thể làm trầm trọng hơn thay vì giải quyết những biến dạng của thị trường và các chính sách khuyến khích ban đầu. Ví dụ như việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho các chương trình đào tạo không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chính phủ cũng có thể bảo vệ doanh nghiệp không bị cạnh tranh quá mức, hạn chế sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, các giải pháp của Chính phủ cần được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch tối đa nhằm tránh bị các thành phần nhà nước hoặc tư nhân lợi dụng.

 

Tải báo cáo "Việt Nam số hóa - Con đường tới tương lai"

 

[1] Nguồn:  https://www3.wipo.int/ipstats/index.htm

[2] Xem thêm thông tin chi tiết tại https://www.britannica.com/topic/market-failure

[3] Xem Cameron, A., T. H. Pham, J. Atherton, D. H. Nguyen, T. P. Nguyen, S. T. Tran, T. N. Nguyen, H. Y. Trinh, và S. Hajkowicz. 2019. Nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai của Việt Nam: Hướng tới năm 2030 và 2045. Brisbane: CSIRO.


Authors

Jacques Morisset

Lead Economist and Program Leader, World Bank

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000