Việt Nam: “Lan truyền” hiểu biết về HIV/AIDS - hạn chế lan truyền đại dịch

This page in:

Available in English

Tôi luôn cảm thấy vui khi làm được điều gì đó có ích cho đất nước Việt Nam. Và trong hơn 10 năm làm việc cho Ngân hàng Thế giới, tôi đã luôn nhận được niềm vui đó qua công việc của mình, một công việc giúp cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà ngành giao thông vận tải Việt Nam đã đạt được, vẫn còn những thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành khiến tôi phải trăn trở.

Tôi còn nhớ vài năm trước khi tình cờ nói chuyện với một đồng nghiệp của tôi là chuyên gia về HIV/ AIDS. Chị nói những năm gần đây ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong số những người đến xét nghiệm HIV tại các Trung tâm y tế thì đa phần lại là những người phụ nữ có chồng đang làm việc ở các dự án hạ tầng giao thông. Tôi đem chuyện này kể lại cho các công nhân và cán bộ đang làm việc trong dự án của mình ở Đồng  bằng sông Cửu Long. Và tôi đã thực sự lo lắng khi nhận thấy vốn hiểu biết về HIV/ AIDS của họ rất hạn chế. Một câu hỏi cứ lớn dần trong tôi: “Chúng ta cần phải làm gì để có thể bảo vệ những con người này khỏi căn bệnh chết người?”.  

Việt Nam đã làm được rất nhiều trong việc ngăn chặn đại dịch HIV/ AIDS, với việc cho đến nay tổng số ca nhiễm vẫn ở dưới mức công bố dịch là 0.3% tổng số dân. Ở Việt Nam chúng ta vẫn thường nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” và một trong số những chương trình phòng chống HIV/ AIDS thành công nhất của Việt Nam là nâng cao nhận thức và hiểu biết về HIV/ AIDS cho nhóm người có nguy cơ cao như gái mại dâm, người tiêm chích ma túy, v.v.

Sau đó, cùng với những đồng nghiệp từ AusAID, chúng tôi đã đưa ra một chương trình tương tự nhưng hướng tới các công nhân xây dựng và cán bộ trong dự án của mình, là nhóm người “nay đây mai đó” khi phải thường xuyên phải chuyển nơi ở của mình từ công trường này sang công trường khác. Và chương trình Nâng cao Nhận thức và Phòng tránh HIV/ AIDS (HAPP) đã ra đời từ đầu năm 2011 nhằm đem lại sự hiểu biết về HIV/ AIDS cho các công nhân đang làm việc tại dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long.

Được thực hiện trong 18 tháng nhưng lợi ích mà chương trình đem lại không chỉ giới hạn ở những người công nhân xây dựng. Cùng với hơn 1,200 cán bộ và công nhân đang làm việc (chiếm khoảng 50% tổng số người của dự án), có khoảng hơn 3,200 người dân địa phương cũng đã được tham gia vào các khóa đào tạo về nâng cao nhận thức và phòng chống HIV/ AIDS. Chương trình đã cung cấp cho họ những kiến thức vầ căn bệnh thế kỷ này và dạy họ cách sử dụng bao cao su sao cho đúng cách và an toàn. Chương trình cũng đã mời một số người nhiễm HIV đến giao lưu nhằm làm cho các học viên hiểu rõ hơn bản chất của căn bệnh và cũng để nhằm giảm bớt sự xa lánh và kỳ thị của xã hôi đối với họ.

ImageMột phụ nữ  mại dâm tham dự lớp học nói với tôi rằng cô ấy sẽ “cố gắng thuyết phục những khách hàng của mình sử dụng bao cao su. Tôi sẽ nói với họ rằng tôi rất sợ bị lây truyền HIV, tôi muốn tránh được căn bệnh và tôi cũng họ cũng được như vậy. Họ cần biết cách bảo vệ họ và bảo vệ cho chính gia đình mình”.

Kết quả đào tạo của chương trình rất đáng khích lệ vì có tới 60%, so với chỉ khoảng 10%,  số người tham gia đào tạo cho biết họ đã hiểu biết được những rủi ro có thể làm họ bị lây nhiễm hay dương tính với HIV. Gần 90% số người dự học trả lời rằng bây giờ hộ đã cảm thấy thoái mái hơn rất nhiều khi ngồi ăn cùng với người nhiễm HIV, so với tỷ lệ khoảng 50% trước đây . Chương trình cũng đã khuyến khích mọi người đến các trung tâm xét nghiệm HIV tự nguyện để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Tỷ lệ số người sau đó đi xét nghiệm tự nguyện đã tăng lên đáng kể, từ 30% lên 70%. Những con số này quả là ấn tượng đúng không?

Qua chương trình này, cũng đã có khoảng 120 công nhân được trang bị những kiến thức cần thiết để khi trở về công trường, họ có thể đào tạo lại cho những đồng nghiệp của mình cũng như cộng đồng bên cạnh công trường. Điều này rất quan trọng nhằm đảm bảo rằng sự hiểu biết về HIV/ AIDS được bền vững ngay cả sau khi chương trình kết thúc vào cuối năm 2012. Công nhân Lê Phước Lai, một trong số 120 công nhân nói trên, chia sẻ với chúng tôi “đây không phải là một việc dễ nhưng tôi thấy vui khi được làm việc này vì tôi thấy tôi đang làm được một việc gì đó có ích cho các đông nghiệp của tôi, hơn nữa tôi cũng thấy tự tin hơn vì đã biết cách bảo vê cho chính mình”.

Chúng tôi cũng đã phân phát khoảng 3,000 Sổ tay “HIV/ AIDS, Công việc và Bạn”, được viết dễ hiểu và chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về HIV/AIDS, tới các cán bộ và công nhân xây dựng cũng như cộng đồng dân cư quanh công trường để họ có thể đọc những lúc rỗi rãi.

Tôi rất vui về kết quả đạt được của chương trình cũng như được nghe những câu chuyện của chính những người “trong cuộc”. Tới đây tôi dự định sẽ nhân rộng chương trình cho tất cả các dự án hạ tầng giao thông của Việt Nam để có thể giúp cho tất cả các cán bộ và công nhân xây dựng có thể bảo vệ họ, bảo vệ gia đình họ và bảo vệ cộng đồng khỏi căn bệnh thế kỷ này. Tôi muốn “lan truyền” chương trình này để góp phần hạn chế tối đa sự lan truyền của HIV/ AIDS ra cộng đồng.    

Vì một Việt Nam vững mạnh!


Authors

Dung Anh Hoang

Senior Transport Specialist

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000