Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Góc độ so sánh

This page in:

Image
Kể từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với lợi ích bao trùm. GDP bình quân đầu người tăng 3,5 lần trong giai đoạn 1991-2012 — chỉ sau Trung Quốc. Cùng với tốc độ tăng trưởng, phân bố tăng trưởng cũng là một thành tích rất đáng ghi nhận: phần thu nhập quốc gia dành cho nhóm 40% dân nghèo nhất hầu như không thay đổi kể từ đầu thập kỷ 1990 tới nay, điều này đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế được phân phối cho mọi tầng lớp và giảm nghèo một cách đáng kể.

Tuy nhiên, kể từ 2008, tăng trưởng GDP đã đi theo một quỹ đạo thấp hơn. Qua đó đã nảy sinh một số câu hỏi về mức độ bền vững của tăng trưởng và liệu Việt Nam có thể khôi phục mức tăng GDP bình quân đầu người 7-8% hay không. Các nhà phân tích quan ngại về xu thế giảm tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp và mức độ phụ thuộc ngày càng nhiều vào tích tụ vốn. Thêm vào đó, các nhà đầu tư tư nhân cũng thường xuyên nêu các vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh như kỹ năng ngày càng thiếu, khó tiếp cận vốn, chi phí thương mại và kho vận tương đối cao, độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước và bộ máy hành chính cồng kềnh gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Một lợi thế lớn của Việt Nam là vị trí – Việt Nam nằm trong khu vực năng động nhất trên thế giới. Hình ảnh về tốc độ phát triển nhanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, và Trung Quốc đã thấm vào tư duy người Việt. Vì vậy, thành công được đánh giá cả theo mức độ tuyệt đối và tương đối trong mối tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Mặc dù Việt Nam đã phát triển nhanh trong một thời gian dài trong thời kỳ đầu nhưng nay vẫn có nguy cơ bị tụt hậu so với các nền kinh tế siêu sao khác trong khu vực.

Có phải tăng trường dài hạn của Việt Nam đã hết đà sớm hơn so với các nước khác trong khu vực? Để trả lời câu hỏi này ta cần so sánh Việt Nam ngày nay với các quốc gia khác trong cùng thời kỳ họ tăng tưởng như Việt nam. Hình 1 (ở dưới) so sánh Việt Nam với Trung Quốc và cho thấy hai điểm nổi bật. Thứ nhất cả Trung Quốc và Việt Nam đều bắt đầu thời kỳ tăng tốc của mình với cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Thứ hai, vào thời điểm 2013 Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng của Trung Quốc sau 23 năm tăng tốc. Hình 2 (ở dưới) đưa thêm các quốc gia thành công khác vào phép so sánh và lấy kỳ so sánh là 50 năm. Kết quả cũng khá giống nhau. Vị trí của Việt Nam hiện nay về cơ bản là giống với các nước khác trong thời kỳ tăng trưởng tương ứng của họ.

So sánh thành tích quá khứ là một việc, nhưng vấn đề quan trọng hơn ở đây là cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hình như sau 25 năm tăng tốc – là giai đoạn Việt Nam hiện nay – một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đã bứt phá, bỏ xa các nước còn lại. Vì vậy Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Nếu đạt mức tăng trưởng GDP cao khoảng 9%/năm, thì Việt Nam có thể hoàn toàn đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hoá trong một thế hệ - với mức thu nhập tương đương Hàn Quốc hiện nay. Ngược lại, nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng trên 5% mỗi năm như những năm gần đây, thì mức thu nhập bình quân sẽ chỉ nhỉnh hơn mức hiện nay của Thái Lan, Brazil hoặc Ai Cập.

Việt Nam có thể tham khảo các bài học kinh nghiệm quý báu của các nước thành công trong khu vực để áp dụng vào chính sách tương lai của mình. Ví dụ trong thập kỷ 1980 Hàn Quốc đã mạnh dạn cắt giảm mức độ can thiệp của nhà nước, tự do hoá chính sách quản lý nhập khẩu và đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường cạnh tranh. Chính phủ cũng đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở và cơ giới hoá nông nghiệp nhằm điều chỉnh mất cân đối giữa nông thôn và thành thị. Tương tự, Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách ngân hàng và cho phép sự phát triển một khu vực kinh tế tư nhân chính thức từ đầu những năm 2000.

Vậy Việt Nam đang đứng trước những lựa chọn chính sách nào? Hiển nhiên là cần loại bỏ rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân như đã nêu trên. Cần tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước vốn tồn tại từ lâu và vấn đề tái cơ cấu ngành ngân hàng. Muốn thành công như các quốc gia láng giềng khác trong khu vực đông Á thì Việt Nam cũng tăng giá trị gia tăng và chất lượng của sản phẩm xuất khẩu - là lĩnh vực Việt Nam còn đi sau. Cũng như các quốc gia thành công khác, nguồn tài nguyên chính của việt Nam là con người. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để tăng trưởng dài hạn là đầu tư phát triển nguồn vốn con người. Cuối cùng, một bài học quí giá nữa từ các tấm gương thành công là tăng cường quản lý đô thị, xây dựng đô thị cho tương lai, hiện đại hoá nông nghiệp và làm cho khu vực này hướng tới kinh tế tư nhân nhiều hơn nữa.

Những vấn đề này, và các giải pháp chính sách để giải quyết chúng sẽ là một phần trong một nghiên cứu chung giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, nhằm tìm cách để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu dài hạn của mình là một nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, có khả năng chịu đựng tốt và có tính bao trùm cao.

Image
Image
Nguồn: Penn World Tables 8.0. Note: Năm cơ sở đối với Việt Nam là 1990, Trung Quốc là 1977, Hàn Quốc là 1962, Đài Loan và Brazil là 1951, Thái Lan là 1958, và Ai Cập là 1969.


Authors

Axel van Trotsenburg

World Bank Senior Managing Director

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000