Trong tuần này, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 tại Hà Nội. Bảo hiểm y tế toàn dân (BHYTTD) sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị, cả trong các diễn đàn chính thức và không chính thức, giữa các nhà hoạch định chính sách của khu vực. Dù thế nào thì mục tiêu tiến tới BHYTTD, được hỗ trợ bởi việc tăng chi tiêu của nhà nước để trợ cấp cho các đối tượng tham gia bảo hiểm, cũng là một trong những nội dung có sự thống nhất cao nhất trong chính sách y tế của khu vực ASEAN hiện nay.
Có thể nói, Việt Nam đã phần nào đi trước khu vực nhờ tăng đều độ phủ bảo hiểm y tế trong suốt những năm 1990. Với Luật Bảo hiểm Y tế ban hành năm 2008, Việt Nam đã hợp nhất các chương trình bảo hiểm y tế hiện hành, áp dụng chính sách một bên chi trả duy nhất, trước cả một số nước lớn trong ASEAN khác như Inđônêxia và Philipin. Hiện nay, không những có tới 68% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế mà nhà nước cũng đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng bên cung và nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế trong nước để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Với sự cộng tác của Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, Quỹ Rockefeller, mới đây Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành một nghiên cứu đánh giá về quá trình tiến tới BHYTTD của Việt Nam. Đây cũng là đề nghị của Chính phủ Việt Nam đối với các đối tác phát triển để chuẩn bị cho Quốc hội tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế trong năm 2014.
Báo cáo này cho thấy dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trên con đường hướng tới BHYTTD nhưng vẫn còn một số tồn đọng cần giải quyết.
Chẳng hạn, việc quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc trong một chương trình duy nhất là chưa đủ để tạo đột phá. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm vẫn thấp, kể cả ở những đối tượng bắt buộc như tầng lớp lao động chính quy, và mặc dù đã tăng mạnh bao cấp cho người cận nghèo. Tuy được tổ chức thành một đơn vị chi trả duy nhất nhưng hệ thống bảo hiểm y tế xã hội của Việt Nam vẫn khá phân tán. Vẫn tồn tại tình trạng người nghèo trợ cấp cho người giàu, tỉnh nghèo gánh chi phí cho tỉnh giàu. Báo cáo đề xuất tăng trợ cấp nhằm tiếp tục gia tăng độ phủ bảo hiểm ở các đối tượng cận nghèo và lao động phi chính quy, cũng như khuyến khích mua bảo hiểm cả gia đình.
Thêm vào đó, BHYTTD vẫn là một mục tiêu còn xa vời khi tình trạng tự chi trả vẫn khiến chi phí khám chữa bệnh ở mức cao. Năm 2010, khi gần 60% dân số đã tham gia bảo hiểm thì tỉ lệ tự chi trả trên tổng chi tiêu cho y tế vẫn cao tới 57,6%. Tỉ lệ tự chi trả cao khiến hộ gia đình đứng trước nguy cơ bị bần cùng hóa, không dám sử dụng các dịch vụ y tế khi cần đến. Tiếp tục giảm tỉ lệ đồng chi trả cho các nhóm xã hội yếu thế và có chế độ bảo hiểm cho những chi phí quá lớn sẽ là một giải pháp cho vấn đề này.
Tình trạng giá trị thực sự không tương xứng với đồng tiền bỏ ra là một nguy cơ đối với tính bền vững của hệ thống cũng như mục tiêu thực hiện BHYTTD. Các tính toán thực hiện cho báo cáo cho thấy những nguồn tài chính bổ sung cần thiết để đạt được những mục tiêu lớn về BHYTTD mà Việt Nam đã tự đặt ra sẽ cao hơn nhiều so với dự kiến nếu căn cứ trên các dự báo về GDP và nguồn thu. Hạn chế tình trạng chi phí liên tục tăng và huy động nguồn lực nhờ tăng hiệu quả và tiết kiệm sẽ là giải pháp quan trọng để Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến vững chắc hướng tới bảo hiểm toàn dân. Theo báo cáo, nâng cao hiệu quả thông qua cải cách cơ chế thanh toán cho cơ sở, hợp lý hóa gói quyền lợi bảo hiểm, củng cố cơ chế quản lý, tổ chức bảo hiểm y tế sẽ là giải pháp để bảo đảm tính bền vững của hệ thống.
Báo cáo cũng đưa ra các đề xuất cả về ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn nhằm giúp Việt Nam khắc phục nhiều tồn tại trong cơ chế hiện hành. Kết quả của nghiên cứu này đã đóng góp vào quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế vào tháng 6/2014 cũng như những thảo luận cải cách chính sách trong tương lai.
Việt Nam sẽ gặp những trở ngại chính nào trên con đường tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân? Làm thế nào để giải quyết những vấn đề đó? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn với chúng tôi!
Join the Conversation