Đồng nghiệp thường trêu chọc tôi, một bác sĩ không quản lý bệnh nhân, mà quản lý chất thải y tế. Phải thú nhận rằng đó là công việc lạ. Khi đến bệnh viện, tôi không đi vào cửa trước mà vòng vào phía sau. Ở đó, tôi chẳng đưa ra lời khuyên y khoa nào, mà lại động viên mọi người lao vào chỗ bẩn để làm cho nó sạch hơn.
Thế mà ngày càng nhiều người trong ngành y hào hứng với những công việc lạ như tôi. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Kiên Giang đã truyền lửa cho tất cả cán bộ nhân viên bằng cam kết “không nhìn thấy và không ngửi thấy chất thải” tại bất cứ nơi nào trong bệnh viện.
Còn bác sĩ Võ Công Luận, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An lại thích mời khách uống cà phê thư giãn tại khu xử lý chất thải bệnh viện. Anh và đồng nghiệp đã nỗ lực biến nơi bẩn nhất bệnh viện thành một công viên sinh thái. Phần thưởng đối với chị Dung và anh Luận không chỉ là môi trường làm việc an toàn cho cán bộ y tế, mà còn là sự hài lòng của bệnh nhân và sự tin cậy của cộng đồng.
Hai bệnh viện trên đang thụ hưởng dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện Việt Nam” do Bộ Y tế và Cục Quản lý Môi trường Y tế (VIHEMA) triển khai và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Khi chúng tôi khởi động dự án này, ước tính các cơ sở y tế ở Việt Nam phát sinh khoảng 40 tấn chất thải rắn nguy hại và 150.000 m3 nước thải mỗi ngày. Chất thải y tế có nhiều thành phần nguy hại với môi trường và sức khỏe con người như vi sinh vật gây bệnh, vật sắc nhọn như kim tiêm, hóa chất độc và các thành phần nguy hại khác v.v. Để tháo gỡ những khó khăn về tài chính và năng lực quản lý môi trường trong ngành y tế, dự án hỗ trợ Bộ Y tế và VIHEMA tăng cường khung chính sách - thể chế, và cải thiện hệ thống quản lý chất thải cho khoảng 150 bệnh viện.
Đây là lần đầu tiên ngành y tế Việt Nam áp dụng cơ chế tài chính mới: đầu tư dựa trên kết quả. Bệnh viện phải chứng minh được rằng hệ thống quản lý chất thải y tế được đầu tư đạt quy chuẩn Việt Nam thông qua một quá trình kiểm định độc lập. Nếu không, các đơn vị triển khai sẽ phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ vốn cho Bộ Y tế. Cơ chế này nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị triển khai dự án.
Các chủ đầu tư có quyền lựa chọn những công nghệ phù hợp nhất trong một thực đơn giải pháp kỹ thuật. Lò đốt, công nghệ gây ô nhiễm thứ phát do khí thải, được thay thế bằng các công nghệ không đốt thân thiện với môi trường, khử khuẩn và nghiền cắt chất thải cho tới khi chúng không còn nguy hại như chất thải sinh hoạt. Nước thải được xử lý đủ sạch để bệnh viện có thể tái sử dụng cho mục đích khác như tưới cây.
Điều các giám đốc bệnh viện như anh Luận, chị Dung tâm đắc nhất là dự án chuyển trọng tâm từ “xử lý chất thải” sang “quản lý hệ thống”, từ chỗ chỉ lo xử lý cuối nguồn sang giảm thiểu đầu nguồn. Các bệnh viện đều xây dựng quy trình và giám sát tuân thủ chặt chẽ. Công tác tổ chức và phát triển con người được đặc biệt quan tâm, bao gồm tăng cường mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo cho nhân viên, truyền thông cho bệnh nhân và người nhà hiểu và cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong bệnh viện.
Tất nhiên, triển khai những giải pháp mới theo cơ chế mới không phải chuyện dễ dàng. Để có được môi trường trong lành như hôm nay, bác sĩ Luận, bác sĩ Dung và đồng nghiệp đã mất hơn ba năm để thiết lập hệ thống và khuyến khích tất cả mọi người cùng tham gia quản lý chất thải y tế. Nhưng nỗ lực của họ đã được đền đáp: đồng nghiệp sẽ thấy công việc quản lý chất thải y tế của chúng tôi không còn “lạ” nữa khi tới thăm những bệnh viện xanh như công viên, sạch như khách sạn ở Long An và Kiên Giang. Cùng chung tay, chúng ta chắc chắn có thêm nhiều bệnh viện xanh, sạch, đẹp, an toàn cho bệnh nhân, cán bộ y tế và cộng đồng.
Bệnh viện ở đất nước bạn đang quản lý chất thải y tế như thế nào? Hãy chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của bạn trong phần bình luận dưới đây.
Join the Conversation