Công nghệ thông tin đang chuyển đổi giáo dục điều dưỡng tại Việt Nam như thế nào

This page in:
Vietnamese nursing students are learning on mobile phones. Vietnamese nursing students are learning on mobile phones.

Thời đi học y khoa, tôi có làm bạn với các sinh viên điều dưỡng. Họ yêu nghề và khao khát cống hiến. Thật không may, chúng tôi không có cơ hội làm việc với nhau sau khi tốt nghiệp. Những người bạn điều dưỡng của tôi có thể thiếu một số năng lực nào đó để cạnh tranh trong thị trường lao động.

Khắc phục điểm yếu của sinh viên điều dưỡng

Năm 2012, các nhà giáo dục bắt đầu đánh giá hệ thống giáo dục điều dưỡng ở Việt Nam. Các khảo sát người sử dụng nhân lực y tế cho thấy sinh viên điều dưỡng mới ra trường thiếu hai kỹ năng mềm quan trọng là “tư duy phản biện và giải quyết vấn đề” và “lãnh đạo và làm việc nhóm”. Khảo sát sinh viên điều dưỡng năm cuối cũng khẳng định họ không tự tin về năng lực “giải quyết vấn đề” và “quản lý y tế”, bên cạnh kỹ năng “sử dụng máy tính và công nghệ thông tin”. Đặc biệt, cứ 4 sinh viên điều dưỡng năm cuối thì có 3 người phàn nàn về sự thiếu thốn nguồn lực và công cụ trực tuyến để học tập.  

Các nghiên cứu về khoảng trống năng lực của sinh viên điều dưỡng đã thu hút được sự quan tâm các nhà quản lý giáo dục ở Việt Nam. Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam đã bao gồm những năng lực liên quan đến “làm việc nhóm”, “quản lý y tế” và “thực hành dựa trên bằng chứng”. Trong một thập kỷ vừa qua, các trường điều dưỡng đã cải tiến môi trường dạy và học, với “người học làm trung tâm” tham gia “làm việc nhóm”, “quản lý y tế”, và “thực hành dựa trên bằng chứng” như là một phần của năng lực cốt lõi của người điều dưỡng Việt Nam. Sự phát triển các kỹ năng mềm cũng được bổ sung.

Cập nhật chương trình giáo dục

Từ năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai Dự án “Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cán bộ y tế. Với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho mười một trường đại học và cao đẳng y tế chuyển đổi chương trình giáo dục điều dưỡng dựa trên năng lực. Các trường thụ hưởng đã chuyển sang chương trình giáo dục lồng ghép, cho phép phân bổ thêm thời gian cho khoa học lâm sàng và cho phép sinh viên tiếp xúc với người bệnh sớm hơn. Các bộ môn cũng giới thiệu các phương pháp dạy – học mới như học tập dựa trên vấn đề, theo nhóm và dựa trên mô phỏng. Sinh viên điều dưỡng giờ đây có thể học lý thuyết trong các “lớp học đảo chiều” và thực hành trong các trung tâm mô phỏng lâm sàng. Mạng lưới cơ sở thực hành mở rộng ra khỏi phạm vi bệnh viện đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi đó, việc đánh giá sinh viên đã cải thiện nhờ áp dụng các phương pháp đánh giá đáng tin cậy như thi trắc nghiệm và thi lâm sàng khách quan có cấu trúc.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục điều dưỡng

Dự án HPET cũng hỗ trợ tài chính cho các cơ sở giáo dục điều dưỡng cải thiện môi trường dạy và học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học điều dưỡng như học liệu trực tuyến, phần mềm quản lý học tập, học tập từ xa, thi trên máy tính, v.v. được quan tâm đặc biệt. Khai thác sức mạnh của công nghệ thông tin cho phép các bộ môn giới thiệu các phương pháp dạy – học mới như lớp học đảo chiều, học tập phối hợp, học tập dựa trên vấn đề và học tập dựa theo nhóm. Nhờ sớm đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và có kinh nghiệm triển khai các khóa e-learning, các trường điều dưỡng thụ hưởng dự án vẫn duy trì được hoạt động dạy – học trong đại dịch COVID-19.

Xem một trường cao đẳng y tế thụ hưởng dự án HPET đã ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục điều dưỡng.

 

 

,

Authors

Sang Minh Le

Senior Health Specialist

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000