Bộ mặt mới của TP. Hồ Chí Minh: Giải pháp phát triển bền vững đang thay đổi thành phố như thế nào

This page in:
Image


Khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh lần đầu cách đây 3 năm tôi cố hình dung hình ảnh thành phố lấy từ các bộ phim của Hollywood với các tòa nhà nhìn ra bốn phía theo kiểu kiến trúc Pháp, những hàng cây được trồng thẳng hàng gọn ghẽ, những đường phố dài và các món ăn địa phương hấp dẫn.

Kể từ khi làm việc trong lĩnh vực phát triển đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012, tôi nhanh chóng nhận ra nhiều mặt khác nữa của TP. Hồ Chí Minh: một thành phố năng động, trẻ, hiện đại và đầy nhiệt huyết với một tầm nhìn và quyết tâm trở thành một thành phố hàng đầu không chỉ tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất khu vực, mà tại cả khu vực Đông Á.

Thành phố đã đi những bước đúng theo hướng đó, tức là kết hợp phát triển hạ tầng với dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo nâng cao điều kiện sống và tăng trưởng bền vững. Nhân dịp Ngày Đô thị Thế giới sắp tới tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm từ thành phố Hồ Chí Minh. 

Trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng

Với 8 triệu dân, thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố có nhiều người nhập cư nằm trong mọi nhóm thu nhập. Người dân đô thị phải đối mặt với một thách thức lớn đó là thành phố bị bao bọc bởi nước. Nằm cạnh sông Sài Gòn, thành phố được xây dựng trên một mạng lưới kênh, rạch, và phần lớn diện tích đất thành phố chỉ cao hơn mặt nước biển chưa đến 2 m. Với điều kiện như vậy thành phố Hồ Chí Minh phải chịu nguy cơ ngập lụt cao.

Để đảm bảo cho cuộc sống của người dân hơn, chính quyền thành phố đã tập trung vào cải tạo đô thị, quản lí rủi ro lũ lụt, và thực hiện cải cách thể chế nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và mức độ bền vững. Bên cạnh đó thành phố cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về cải tạo môi trường xanh hơn và lành mạnh hơn. Năm 2002, thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công dự án Vệ sinh Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, với mục đích mang lại sức sống mới cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, con kênh chảy qua 7 quận trung tâm của thành phố.

Sau 10 năm, từ một dòng kênh ô nhiễm gây nguy hại cho sức khỏe người dân, Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã trở thành một dòng kênh sạch, và bên cạnh đó có một hệ thống thoát nước vừa giúp ngăn chặn úng lụt, vừa thu gom và thoát nước thải một cách an toàn. Dự án cũng đã trở thành một ví dụ điển hình mà các thành phố khác tại Việt Nam có thể học tập.

“Dự án đã giúp giảm nhẹ đáng kể tình trạng úng lụt và ô nhiễm, đồng thời tạo môi trường sống tốt hơn cho trên 1,2 triệu dân,” Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân nói.

“Tôi rất vui và rất tự hào khi nhìn thấy bộ mặt mới và tươi đẹp của con kênh,” ông Nguyễn Thanh Sương, một người dân đã sống hơn 20 năm bên bờ kênh, nói.

Cải tạo điều kiện sống cho các khu vực nghèo
 
Image


Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng ra thành phố Hồ Chí Minh còn chú ý cải tạo điều kiện sống cho tầng lớp dân nghèo sống tại đây. Dựa trên ý kiến người dân, thành phố đã xác định 20 khu vực cần ưu tiên cải tạo và sau đó đã thực hiện đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện, trường học, và bệnh viện.

Dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam thực hiện từ năm 2004 đến 2014 đã cải tạo điều kiện sống tại gần 100 khu vực nghèo, mang lại lợi ích cho khoàng 250.000 hộ gia đình. Các hộ gia đình hiện nay đã được nối với hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện và vệ sinh môi trường. Các con hẻm nhỏ, bẩn và lầy lội trước đây nay đã được mở rộng, trải bê tông, sạch sẽ hơn và an toàn hơn. Xe cứu thương và cứu hỏa đã có thể ra vào, trẻ em có thể chơi đùa trong khu dân cư, và người dân có thể mở rộng kinh doanh. Dự án này đã dẫn đến việc xây dựng chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, một trong những chương trình được coi là cách tiếp cận tốt nhất của Ngân hàng Thế giới.

“Làm ăn bây giờ dễ hơn nhiều vì đường phố sạch sẽ hơn và an toàn hơn,” bà Bùi Thị Mai, một chủ hộ kinh doanh tại quận 8, nói. “Xe tải có thể chở hàng đến tận cửa nhà tôi. Rất nhiều nhà hàng và cửa hiệu đã mở dọc theo con đường lớn này.”
Ngoài ra dự án còn cung cấp các khoản vay nhỏ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. “Khi được vay vốn, người nghèo sẽ khai thác được thêm ích lợi do cơ sở hạ tầng mới mang lại,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Hướng tới tương lai

Dự án Quản lí Rủi ro Lũ lụt thành phố Hồ Chí Minh do Ngân Hàng Thế Giới hỗ trợ sẽ giúp hạn chế tình trạng lũ lụt tại khu vực phía bắc thành phố và như vậy cũng đồng thời thực hiện nốt phần còn lại của kế hoạch chống lũ tại các khu đông dân nhất của thành phố. Một dự án nữa sẽ kết thúc vào năm 2021, đó là dự án xây dựng nhà máy xử lí nước thải nhằm thu gom và xử lí nước thải tỏng hệ thống gom nước thải dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng thêm các khoảng không gian xanh đa chức năng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng bằng hệ thống vận tải xe buýt nhanh cùng với một số tuyến tàu điện ngầm, tăng cường hệ thống tài chính đô thị, và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Toàn bộ gói các giải pháp mà thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đòi hỏi phải có sự chỉ đạo kiên quyết, sự tham gia của người dân, và sự hỗ trợ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới. Tôi rất vui vì đã góp phần làm cho thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố xanh, cạnh tranh, hòa nhập và có sức chống chịu tốt – nơi mà tôi đã thực sự coi là nhà của mình.

Liên quan:
Dự án Vệ sinh Môi trường thành phố Hồ Chí Minh
Dự án Nâng cấp Đô thị Việt Nam
Dự án Phát triển Giao thông Xanh thành phố Hồ Chí Minh

 

Authors

Madhu Raghunath

Sector Leader, Sustainable Development

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000