Hai cháu bé đang rửa tay bằng nước sạch. Gia đình các cháu ở huyện Thái Bình bắt đầu có nước sạch từ năm 2011.Xem video: Cấp nước sạch cho khu vực nông thôn: Bài học từ Việt Nam
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn còn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị trong việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường. Rất nhiều hộ gia đình nghèo ở nông thôn ngày nay vẫn chưa có nước sạch hoặc nhà vệ sinh.
Trong một chuyến khảo sát thực tế trong khuôn khổ Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng (RRDRWASS) khởi động gần 10 năm trước, những gì mà một người phụ nữ tại đây nói với tôi đã thực sự làm tôi suy nghĩ. Cô thắc mắc vì sao dân cư ở thành thị có thể tiếp cận nguồn nước sạch và các dịch vụ vệ sinh với chất lượng tốt trong khi người dân ở các vùng nông thôn lại không thể. Cô ấy nói có lẽ do người dân ở khu vực nông thôn sẵn lòng sử dụng dịch vụ chất lượng thấp so với người dân ở khu vực thành thị, và đơn giản là họ không có nhu cầu phải cải thiện chất lượng cao hơn.
Lúc đầu tôi nghĩ có thể cô ấy đúng nhưng sau đó tôi nhận ra vấn đề không phải như vậy. Người dân ở khu vực nông thôn hoàn toàn có nhu cầu về các dịch vụ với chất lượng tốt hơn, và quan trọng hơn, được tiếp cận với những dịch vụ này là một quyền cơ bản của con người.
Vậy lí do dẫn đến sự chênh lệch này là gì?
Tôi tin rằng một trong những vấn đề mấu chốt là phương pháp tiếp cận phải phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ở khu vực thành thị, chi phí đầu tư cấp nước thấp hơn so với khu vực nông thôn do mật độ dân số thành thị cao hơn. Chi phí cao hơn thường dẫn đến việc các hệ thống cấp nước nông thôn không được bền vững. Thêm vào đó, khả năng quản lý và điều hành hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn nhìn chung cũng yếu kém hơn. Chúng ta phải xem xét làm thế nào để tạo ra môi trường phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề này đồng thời cải thiện các dịch vụ cung cấp nước và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn để đáp ứng được nhu cầu của người dân sinh sống tại đây. Việc tạo ra một “môi trường phù hợp” đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của dự án.
Sự tham gia của cộng đồng
Trong khi phần lớn các dự án nước sạch chỉ tập trung vào việc xây dựng phần hạ tầng hệ thống cấp nước thì dự án RRDRWASS nhận thấy rằng công tác giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường cũng mang ý nghĩa sống còn đối với thành công của dự án.
Các hệ thống cấp nước trong khuôn khổ dự án này được giao cho những doanh nghiệp với tư duy đổi mới và khả năng quản lý vận hành hiệu quả. Cộng đồng địa phương cũng nắm giữ 10% cổ phần trong các doanh nghiệp này nhằm đảm bảo quyền làm chủ cũng như cam kết từ phía cộng đồng, đồng thời đảm bảo sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng trong các quá trình lên kế hoạch, xây dựng, vận hành và bảo trì các hệ thống cấp nước. Thành viên cộng đồng thậm chí còn tham gia vào việc giám sát các hợp đồng xây dựng. Cách làm này đảm bảo rằng chất lượng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng một cách minh bạch và có sự tham gia. Đặc biệt là phụ nữ, những người thường phải đảm bảo việc đi lấy nước trong gia đình, đã tham gia tích cực vào dự án thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tổ chức này cho các hộ gia đình vay để chi trả cho đấu nối cấp nước.
Người sử dụng thể hiện tỷ lệ hài lòng cao đối với chất lượng dịch vụ của các hệ thống cấp nước tại bốn tỉnh tham gia dự án là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Dương. Họ cũng sẵn sàng và có đủ khả năng để chi trả phí sử dụng dịch vụ nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp đủ các chi phí trực tiếp khi cung cấp nước qua các hệ thống này, từ đó đảm bảo sự ổn định về tài chính cho doanh nghiệp.
Vệ sinh môi trường
Dự án cũng tập trung vào các hoạt động chuyên sâu nhằm tuyên truyền xây dựng các thói quen vệ sinh như rửa tay với xà phòng, đồng thời phát triển hình thức quỹ tín dụng quay vòng cho các hộ gia đình thu nhập thấp vay tiền xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Dưới sự điều hành của Hội phụ nữ, quỹ này đã giúp xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở 4 tỉnh thuộc dự án, chiếm đến 87% tổng số hộ gia đình. Ngoài ra, tất cả các khoản vay của quỹ tín dụng này đều đã được hoàn trả đầy đủ.
Sau khi hoàn thành vào tháng 6 năm 2013, dự án đã giúp:
- Hơn 1 triệu người dân được tiếp cận với nước sạch
- Hơn 45.000 hộ gia đình xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh từ 25% lên 87%.
Tôi rất vui vì được tham gia vào dự án từ những ngày đầu và được thấy những thay đổi tích cực trong tình hình tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn thuộc bốn tỉnh nói trên. Trong tương lai, tôi rất hy vọng phương pháp tiếp cận này sẽ được nhân rộng ở các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Tôi cũng rất vui mừng vì những bài học từ dự án này đang được áp dụng và mở rộng đối với một chương trình quốc gia, được hỗ trợ bởi dự án theo mô hình Chương trình dựa trên kết quả (PforR). Dự án hỗ trợ tài chính thông qua một phương thức sáng tạo mới kết hợp hỗ trợ tài chính trực tiếp với kết quả, đảm bảo đối tượng cần hỗ trợ sẽ được hưởng lợi một cách hiệu quả hơn. Đây là chương trình áp dụng PforR đầu tiên của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới thông qua và là chương trình PforR đầu tiên của Ngân hàng Thế giới cho lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.
Xem video: Cấp nước sạch cho khu vực nông thôn: Bài học từ Việt Nam
Bạn có sáng kiến nào khác để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường không? Hãy chia sẻ với chúng tôi!
Liên quan (Tiếng Anh): 3 phương thức sáng tạo để quản lý cấp nước sạch nông thôn
Join the Conversation