Ứng phó với biến đổi khí hậu – đảm bảo tương lai cho nông dân

This page in:
Image
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Chính phủ đã sử dụng tiền đầu tư để ứng phó với vấn đề này như thế nào? Xem toàn bộ đồ họa thông tin.

Trong đợt công tác chuẩn bị cho dự án trồng mới cây cà phê gần đây tôi đã gặp anh Y Cham, người Ê-đê, tại Dak Lak, vùng trồng cà phê robusta chính tại Tây Nguyên.

Y Cham đã làm nghề nông từ lâu. Anh chia sẻ với chúng tôi về lo lắng của mình cho bốn ha cà phê, đã không được tưới nước đầy đủ do hạn hán kéo dài.

“Nếu không thu hoạch được cà phê như năm ngoái thì cũng không biết làm sao có đủ tiền cho con gái tiếp tục theo học tại Trường Y Hà nội”.
Tây nguyên, nơi có tới 500.000 ha cà phê, đang bị hạn hán nghiêm trọng. Đợt hạn hán năm nay là đợt nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. Khai thác thủy lợi quá nhiều, sử dụng nước lãng phí cộng với thời kỳ khô hạn kéo dài đang gây nhiều khó khăn cho người trồng cà phê nếu họ không chuẩn bị kĩ đễ thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết thay đổi.

Anh Y Cham cho biết, nước là thách thức lớn nhất trong các yếu tố tác động mạnh nhất tới năng suất cà phê theo thứ tự “nước, giống, vốn, kỹ thuật”. Nguồn nước và giống có khả năng chịu đựng được thời tiết là các yếu tố quan trọng nhất.

Thiếu nước cũng là một trong những chủ đề bàn cãi gay gắt gần đây trong hội nông dân trồng cà phê mà Y Cham tham gia thành lập gồm khoảng 250 thành viên, bên cạnh các vấn đề về biện pháp canh tác tốt do trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho người trồng cà phê.

Sử dụng quá nhiều nước nên nông dân gần đây phải khoan sâu tới 60 m để tìm nước ngầm, so với 20 m trước kia. Họ cũng lo lắng vì năm nay hạn hán kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4, mà đây chính là giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây cà phê và vì vậy đòi hỏi phải khai thác thêm nước ngầm và nước mặt để bổ sung do nước mưa, vốn chỉ đủ cung cấp 25% lượng nước cần thiết. Muốn cho năng suất cao cây cà phê cần có đủ nước để nụ phát triển, hoa nở và tạo quả.

Việt Nam đang hứng chịu ngày càng nhiều trận lụt và hạn hán, nhiệt độ tăng, cường độ bão tăng và hiện tượng nước biển dâng. Nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn, và sinh kế của họ, dựa trên trồng lúa và các cây hoa màu khác, cũng bị đe doạ theo.

Trong vài thập kỉ gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ về mọi mặt nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng nghèo cùng cực. Tăng trưởng kinh tế đã mang lại cơ hội cho mọi người và các doanh nghiệp nhưng biến đổi khí hậu có thể làm chậm lại, dừng hẳn hoặc thậm chí đảo ngược các thành tích đã đạt được nếu không áp dụng các biện pháp giảm nhẹ thích hợp.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển hiện nay Việt Nam đang phấn đấu hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng Việt Nam cần phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề năng lượng và liên quan tới quá trình đô thị hoá nhanh chóng, đồng thời phải tìm ra các giải pháp nâng cao sức đề kháng nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Tất các các vấn đề đó đều bị ảnh hưởng bởi quá trình biến đổi khí hậu và bản thân chúng lại có tác động lên mức phát thải của Việt Nam. Tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu lên Việt Nam cũng đang ngày càng được nhận biết rõ hơn. Ngân hàng HSBC đã thực hiện một khảo sát năm 2010 tại 15 quốc gia. Báo cáo cho thấy 30% số người trả lời tại Việt Nam cho rằng biến đổi khí hậu nằm trong nhóm các vấn đề toàn cầu đáng quan ngại nhất (cùng với các vấn đề khác như dịch bệnh, khủng bố, tình trạng nghèo). Đây là con số cao nhất ghi nhận tại các nước thực hiện khảo sát.     

Công việc có liên quan nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam nên tôi rất vui khi chứng kiến Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực cải cách chính sách và thể chế nhằm đối phó với các thách thức về khí hậu. Báo cáo rà soát chi tiêu và đầu tư công nhằm ứng phó biến đổi khí hậu mà Ngân hàng Thế giới đã góp phần hỗ trợ thực hiện tạo tạo tiền đề tăng cường kế hoạch hoá và xác định ưu tiên trong qui trình lập ngân sách cho công tác trên lĩnh vực ứng phó khí hậu. Báo cáo cho thấy Chính phủ đã huy động nguồn lực ứng phó khí hậu hiệu quả hơn. Nhưng do qui mô vấn đề còn lớn nên Việt Nam cần mở rộng hơn nữa nguồn lực cho vấn đề này và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực sẵn có.

Báo cáo đề xuất bước thứ nhất cần thực hiện là tăng cường khung phân bổ nguồn lực của Chính phủ cho ứng phó khí hậu và tăng trưởng xanh. Báo cáo cũng kêu gọi cần phối hợp ăn ý các chính sách và chương trình dựa trên làm rõ và tăng cường mối liên kết giữa ngân sách nhà nước và các chính sách ứng phó khí hậu và tăng trưởng xanh.

Đối với nhiều người đây là một thách thức, nhưng tôi cho đó là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ rằng tăng cường năng lực đề kháng trước biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là vấn đề nghiêm túc. Cần phải duy trì đà tiến hiện nay. Dự án đổi mới cây cà phê sẽ giúp Y Cham và các chủ trang trại cà phê khác cải tiến kỹ thuật canh tác, và trước hết là cách sử dụng nước tiết kiệm trong các đồn điền cà phê.

Liên quan:
Lồng ghép Đầu tư cho Biến đổi Khí hậu – Chìa khóa Ứng phó với Biến đổi Khí hậu của Việt Nam
Đồ họa thông tin: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững cho Việt Nam
Báo cáo Rà Soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu: Phát hiện chính và khuyến nghị
Toàn văn báo cáo: Rà Soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu

Authors

Le Thu Thi Nguyen

Environmental Economist

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000