Available in English
Tuần trước, tôi đọc các bài viết về Malala, cô gái 14 tuổi người Pakistan bị bắn vào đầu khi đang trên xe buýt của trường để trả thù cho sự tham gia tích cực của cô trong việc thúc đẩy các quyền về giáo dục của trẻ em gái tại Pakistan. Cùng ngày hôm đó, tôi đã giúp một người bạn biên tập các đoạn chú thích cho loạt ảnh về những cô gái rất trẻ trên toàn thế giới (một số chỉ mới 5 tuổi) nhưng đã bị ép kết hôn với những người đàn ông già hơn rất nhiều vì lý do kinh tế hoặc tập quán văn hóa.
Có lẽ cũng trong ngày hôm đó tôi thực sự cảm nhận được mình may mắn đến thế nào khi được làm việc về vấn đề giới ở một quốc gia như Việt Nam, một nước được coi là tiên phong về bình đẳng giới trong số các quốc gia phát triển và những hành động tàn bạo như vậy thường không xảy ra (mặc dù tảo hôn vẫn xảy ra ở một số khu vực miền núi của đất nước).
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn về bình đẳng giới tại Việt Nam và có lý do để sự lo ngại ngày càng gia tăng: sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh. Tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2010 cho thấy cứ 100 bé gái chào đời thì có 111 bé trai được sinh ra. Trong nhóm 20% giàu nhất của dân số và tỷ lệ con thứ ba của các cặp vợ chồng thì con số này lên tới 133 bé trai trên 100 bé gái.
Tỷ lệ các bé trai sơ sinh so với các bé gái đã tăng lên nhanh chóng trong vòng 10 năm qua, và có những dấu hiệu mạnh mẽ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng do sử dụng phá thai lựa chọn giới tính để đảm bảo sinh được con trai. Các yếu tố góp phần gia tăng tỷ lệ này bao gồm chính sách hai con của Chính phủ cũng như sự phổ biến và dễ tiếp cận hơn của dịch vụ nạo phá thai và công nghệ siêu âm để xác định giới tính thai nhi.
Vậy tại sao có quá nhiều người Việt Nam thích con trai hơn con gái? Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều lời giải thích, nguyên nhân, lý do cho việc này mà phần nhiều trong số đó tôi sẽ không bao giờ thực sự biết được hoặc thấu hiểu hoàn toàn. Tuy nhiên, theo quan niệm thông thường ở Việt Nam, nguyên nhân quan trọng nhất là theo truyền thống thì đàn ông có thể chăm sóc cha mẹ già tốt hơn về mặt vật chất, và trong xã hội Việt Nam, đàn ông là người nối dõi tông đường, dòng họ và thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, một vài đồng nghiệp nam nói với tôi rằng nếu không thể có được một đứa con trai, họ cảm thấy bị coi là thiếu nam tính và bị bạn bè và gia đình trêu chọc.
Nhưng tại sao vấn đề mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh ở Việt Nam lại thực sự quan trọng? Có ít nhất hai lý do để đây thấy là một vấn đề lớn. Vấn đề hiển nhiên nhất có liên quan tới nhân khẩu học - Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA, tổ chức hàng đầu thế giới hoạt động về cân bằng tỉ lệ sinh) dự báo rằng đến năm 2035, Việt Nam sẽ “thặng dư” ít nhất 10% nam giới.
Điều này có nghĩa là một số lượng lớn đàn ông trẻ sẽ không bao giờ kết hôn và có con. Điều này cũng đồng nghĩa với sự kém đa dạng hơn trên thị trường lao động, về văn hóa, về chính trị, cũng như có khả năng dẫn đến gia tăng nhu cầu về mại dâm và buôn bán người.
Một vấn đề khó nhìn thấy hơn là hậu quả của việc lựa chọn con trai là nó có thể gây tác hại lên bình đẳng giới và sự tự tin của phụ nữ khi một số bé gái trưởng thành với tư tưởng rằng các em không được coi trọng và cần thiết bằng các bạn khác giới. Điều này có vẻ không rõ ràng lắm trong từng gia đình, nhưng thực sự có thể nhìn thấy ở cấp độ xã hội.
Với bất kỳ phong tục ở bất kỳ quốc gia nào, thật khó để khái quát hóa và luôn có những ngoại lệ. Tôi đã trò chuyện với những phụ nữ Việt Nam bị đuổi khỏi nhà chồng hoặc bị ép ly hôn vì không sinh được con trai. Nhưng tôi cũng từng nói chuyện với cả những đàn ông và phụ nữ hạnh phúc khi chỉ có con gái và không muốn chọn con trai kể cả khi họ có thể. Và rất ít nơi trên thế giới mà tôi có thể trải nghiệm cảm giác mọi người hân hoan vui mừng với trẻ con như ở Việt Nam, không kể là bé trai hay gái. Mỗi khi một đồng nghiệp đưa con tới văn phòng chơi, các đồng nghiệp khác liền vây quanh ngưỡng mộ, vuốt ve và cù đứa trẻ con mà không bận tâm tới giới tính của bé.
Vì vậy, việc thích có con trai hơn, rõ ràng không phải xuất phát phát từ sự vô tâm, và cũng dễ hiểu khi cha mẹ và ông bà muốn đảm bảo tương lai về già của mình cũng như trân trọng phong tục và niềm tin truyền thống. Nhưng, số liệu thống kê không nói dối. Đối mặt với một vấn đề ngày càng gia tăng và có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, Việt Nam không thể lựa chọn tiếp tục hành động như vậy.
May mắn thay, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề và thực hiện một số biện pháp, bao gồm cấm phá thai chọn lọc giới tính (mặc dù quy định này không được thực hiện nghiêm ngặt). Nhiều con mắt đang đổ dồn về Việt Nam để xem quốc gia này có thể phá vỡ xu hướng đáng lo ngại này hay không. Dù ở Việt Nam, lương của phụ nữ chỉ bằng 75% nam giới, hiện nay số lượng nữ sinh học đại học đang cao hơn nam sinh và không có gì bảo đảm rằng trong 20 hay 30 năm nữa, đàn ông sẽ là trụ cột tốt hơn của gia đình.
Cũng có những phong trào thúc đẩy phụ nữ trong việc duy trì dòng họ và thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, để thay đổi một điều đã ăn sâu vào gốc rễ truyền thống như việc yêu thích con trai là một nhiệm vụ khó khăn và cần nhiều nỗ lực nữa, bao gồm cả chính sách, chiến dịch, nâng cao nhận thức và sự cởi mở của cá nhân để thay đổi. Ngày 20/10, Việt Nam kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và tôn vinh nhiều kết quả tích cực trong nâng cao bình đằng giới. Tôi hy vọng rằng tầm quan trọng của việc trân trọng trẻ em gái như trẻ em trai sẽ ghi vào tâm trí mỗi người khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ này.
Join the Conversation