Sau nhiều tháng thảo luận sôi nổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối cùng đã ra thông báo về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và lấy kết quả làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Cho đến năm học vừa qua, học sinh Việt Nam vẫn phải tham gia hai kỳ thi riêng sau khi hoàn thành 12 năm học phổ thông: một kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cả hai kỳ thi này đều có tính quyết định cao và tạo nhiều áp lực lên các em học sinh và gia đình.
Tuy nhiên, hai kỳ thi nói trên phục vụ những mục đích rất khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá các lĩnh vực kiến thức quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông trung học để đảm bảo học sinh tốt nghiệp có đủ các năng lực đọc, viết và làm toán theo yêu cầu. Thiết kế của kỳ thi tốt nghiệp THPT thường không đánh giá các em học sinh về các kỹ năng khác như kỹ năng học tập, quản lý thời gian, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, v.v… vốn rất quan trọng để giúp các em sẵn sàng bước vào học tập sau giai đoạn giáo dục phổ thông (ở bậc cao đẳng, đại học hoặc học nghề) và khi đi làm.
Trong khi đó kỳ thi đại học lại nhằm mục đích lựa chọn các em học sinh giỏi nhất vào học tại các trường đại học và cao đẳng. Tại một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đây là kỳ thi quốc gia được tổ chức mỗi năm một lần sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ những học sinh có số điểm cao nhất mới chen chân được qua cánh cửa hẹp vào các trường đại học và cao đẳng. Kỳ thi này được coi như một công cụ dự báo năng lực thí sinh trong lĩnh vực chuyên môn sau này (chứ không chỉ đơn thuần đánh giá kết quả học tập trước đây).
Với quyết định này của Bộ giáo dục và Đào tạo, những điểm mấu chốt nào cần được cân nhắc khi sáp nhập hai kỳ thi vào một?
Trước hết, thiết kế của đề thi chung cần đảm bảo khả năng đánh giá được kết quả học tập tại nhà trường phổ thông, đồng thời dự báo tốt khả năng học tập của các thí sinh ở bậc đại học. Điều này sẽ khiến bài thi phải đủ dài để đánh giá được nhiều năng lực khác nhau ở các cấp độ thành tích khác nhau. Việc thiết kế và xây dựng đề thi chung như vậy đòi hỏi cần rất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc lấy một ngưỡng điểm chuẩn duy nhất cho kỳ thi có thể sẽ là quá cao đối với việc xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn quá thấp để lựa chọn các thí sinh đủ năng lực để vào học đại học
Thứ hai, việc tổ chức một kỳ thi duy nhất có thể sẽ gây thêm áp lực không chỉ đối với các em học sinh mà cả đối với các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, làm tăng rủi ro về gian lận thi cử và “dạy theo luyện thi” dẫn đến việc thầy và trò phải dành quá nhiều thời gian luyện đề thi và giảm thời lượng dạy các nội dung của chương trình. Những rủi ro này thường gắn liền với những kỳ thi mang tính quyết định cao, và có thể còn rủi ro hơn với một kỳ thi chung “nhắm nhiều đích” như thế này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn ở đây chính là : Liệu một kỳ thi duy nhất có thể cho biết một học sinh đã sẵn sàng tốt nghiệp THPT và học lên đại học hay chưa?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các bài thi chuẩn hóa sử dụng trong các kỳ đánh giá lớn ở cấp quốc gia như thế này không đo lường được hết những thành tích học tập quan trọng của các em học sinh. Muốn đánh giá tốt hơn các kỹ năng bậc cao cần thiết cho việc học đại học và chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường việc làm, chúng ta cần sử dụng những phương pháp đánh giá khác thay vì chỉ dựa vào một kỳ thi nhằm đánh giá kết quả học tập trong quá khứ.
Cần sử dụng các phương pháp đánh giá khác như xem xét kết quả của toàn bộ quá trình học tập của học sinh, hồ sơ học tập học sinh, bài làm của học sinh để đánh giá kỹ năng, kiến thức và thiên hướng của các em. Đó là những yếu tố quan trọng cho việc học tập ở bậc đại học và khi đi làm. Việc kết hợp các yếu tố kết quả khác nhau sẽ giúp chúng ta đánh giá tốt hơn nhiều về khả năng tốt nghiệp chương trình phổ thông của học sinh. Các giáo sư đại học và các nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến khả năng tổng hợp và tiềm năng học tập trong tương lai của học sinh hơn là điểm thi đơn thuần.
Một kỳ thi quốc gia duy nhất đòi hỏi thiết kế và tổ chức hết sức cẩn thận. Cần sử dụng nhiều chỉ số đánh giá nhằm đảm bảo tính công bằng và chính xác khi đánh giá. Khi tổ chức một kỳ thi duy nhất cần có các phân tích khác nhau đối với dữ liệu bài thi để đảm bảo đáp ứng hai mục đích hoàn toàn khác nhau.
Bạn mong muốn một kỳ thi chung hiệu quả phải như thế nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi!
Join the Conversation