Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm Ma-lai-xi-a về xây dựng nhà nước kiến tạo

This page in:
Image
Photo: Sasin Tipchai/bigstock


Khát vọng của Việt Nam là trở thành một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, và dân chủ vào năm 2035. Muốn đạt được mục tiêu đầy tham vọng này thì Việt Nam cần chuyển đổi nhiều lĩnh vực cả về kinh tế, xã hội, và chính trị.

Cốt lõi của quá trình chuyển đổi này là việc xác định lại vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế. Trong quá trình thích nghi với vai trò quản trị kinh tế, nhà nước phải trở thành một nhà kiến tạo khôn khéo nhằm phát triển ba mối quan hệ: giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa nhà nước với thị trường, và giữa nhà nước với người dân.

Cách đây chưa lâu, Ma-lai-xi-a cũng trải qua quá trình tương tự như Việt Nam hiện nay, với việc thực hiện một quá trình chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực. Năm 2009 Ma-lai-xi-a bắt đầu thực hiện Chương trình cải cách quốc gia (National Transformation Program – NTP) tập trung vào hai lĩnh vực cải cách chính phủ và cải cách kinh tế. Ma-lai-xi-a đã áp dụng nhiều thực tiễn tốt nhằm đơn giản hoá quản lý nhà nước, giúp các doanh nghiệp tương tác dễ dàng hơn với nhà nước.

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế vì một nhà nước kiến tạo” tại Hà Nội, trong đó có sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm của các quan chức Ma-lai-xi-a nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2035 của mình. Các bài học kinh nghiệm đều tập trung vào tăng cường thể chế để qua đó đạt được kết quả phát triển tốt hơn.
Một số kinh nghiệm các quan chức Ma-lai-xi-a đã chia sẻ tại hội nghị bao gồm:

  • Vai trò điều phối các cơ quan chính phủ của Văn phòng Thủ tướng giúp tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách. Tuy Chương trình NTP được thực hiện theo ngành dọc bởi các bộ ban ngành nhưng có sự điều phối và giám sát chương trình một cách sâu sát và tích cực của bộ phận chỉ đạo điều hành chiến lược thuộc văn phòng thủ tướng (PEMANDU). Công tác điều phối thực hiện chương trình NTP bởi một đơn vị chiến lược ngay trong văn phòng thủ tướng đã nâng cao uy tín và hình ảnh của chương trình, tạo thêm thành công cho chương trình.
  • Số lượng mục tiêu ưu tiên thuộc Chương trình NTP của Ma-lai-xi-a là vừa phải, và các mục tiêu đó được chia nhỏ thành các nhiệm vụ chi tiết. PEMANDU giúp các bộ xây dựng các qui trình thực hiện, thời hạn thực hiện, phân công trách nhiệm và xây dựng các tiêu chí đo lường kết quả hợp lý, có thể đo đếm được. Ông Ku Kok Peng, Phó chủ tịch điều hành PEMANDU, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bài học kinh nghiệm này. Ông cho rằng những người chỉ đạo cải cách phải cương quyết trong quá trình lựa chọn và thực hiện mục tiêu ưu tiên, với kỷ luật cao. Là người trực tiếp  tham gia chỉ đạo quá trình cải cách từ văn phòng thủ tướng, ông cũng phải dựa vào việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ ngành, và ngược lại, quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng tạo ra cam kết, điều phối và hợp tác giữa các bộ ngành để phục vụ người dân.
  • Chính phủ Ma-lai-xi-a hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường pháp quy. Ma-lai-xi-a đã tạo ra được quan hệ hiệu quả giữa chính phủ và doanh nghiệp qua việc thành lập nhóm công tác hỗn hợp có tên là PEMUDAH (viết tắt của cụm từ Mã lai “Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”) chịu trách nhiệm về cải cách môi trường pháp quy. Với thành viên bao gồm các quan chức nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp, PEMUDAH đã giúp cải tiến qui trình nghiệp vụ kinh doanh, cắt giảm các thủ tục cấp phép và giấy phép kinh doanh. Ông Dato’ Latif Abdul Abu Seman, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Năng suất Ma-lai-xi-a (Malaysia Productivity Corporation), đã rất hào hứng chia sẻ tại hội nghị rằng qui trình mới đã giúp các doanh nghiệp tập trung hơn vào nâng cao năng suất lao động thay vì mất thời gian vào khai báo và nộp hồ sơ.

Cả PEMANDU và PEMUDAH, tuy là chữ viết tắt nhưng trong tiếng Mã lai cũng mang một số nghĩa bóng. PEMANDU có nghĩa là “lực đẩy”, vì nhóm công tác này được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình NTP. PEMUDAH có nghĩa là “dễ dàng” hoặc “đơn giản”. Nó cũng thể hiện vai trò của tổ công tác là tạo môi trường thuận lợi và đơn giản hơn cho doanh nghiệp.

Các bài học kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a đã có  được đón nhận một cách tích cực từ các cơ quan phía Việt Nam và phía Việt Nam đã yêu cầu được thảo luận thêm về kinh nghiệm của cả PEMANDU và PEMUDAH.
Trung tâm Tri thức và Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới đặt tại Ma-lai-xi-a đã đứng ra mời các quan chức Ma-lai-xi-a tham gia hội nghị này. Một trong những vai trò chính của Trung tâm là phân tích, tổng hợp và chắt lọc những kinh nghiệm có liên quan của Ma-lai-xi-a có thể làm bài học cho các nước khác tham khảo.

Gần đây, Trung tâm đã hoàn thành Báo cáo đánh giá kinh nghiệm PEMANDU của Ma-lai-xi-a và đang thực hiện Báo cáo đánh giá về kết quả áp dụng thông lệ lập quy tốt tại Ma-lai-xi-a, trong đó có mô hình PEMUDAH. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục hợp tác với văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội để tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm từ Ma-lai-xi-a nhằm giúp Việt Nam thực hiện khát vọng 2035 của mình.


Authors

Jana Kunicova

Lead Public Sector Specialist

Huong Thi Lan Tran

Senior Public Sector Specialist - World Bank Vietnam country office

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000