Ba năm trước, Đinh Thị Huyền đã mong muốn làm sao để trang trại hợp tác xã của chị ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có thể giúp cải thiện đời sống cho cộng đồng dân tộc Mường, để giống gạo đặc sản của địa phương đến được tay nhiều khách hàng ở Hà Nội và các địa điểm du lịch. Ngày nay, cầm trên tay một hộp gạo Séng Cù được đóng gói đẹp mắt, chị cho biết số nông dân cộng tác với hợp tác xã đã tăng gấp đôi và thu nhập của họ tăng 20%.
Chị nói: “Sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tốt hơn, thương hiệu đã được công nhận và có vị thế vững chắc hơn tại thị trường trong nước”.
Bế Phương Nga, một phụ nữ dân tộc Nùng, cũng nhận thấy tiềm năng phát triển công việc kinh doanh của mình thông qua xây dựng chuỗi giá trị dược liệu sẵn có tại địa phương thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ngày nay, khách hàng có thể mua dầu gội thảo dược, sữa tắm dành cho trẻ nhỏ và nguyên liệu thảo mộc để dùng làm thuốc từ trang web mới được thành lập của doanh nghiệp. Doanh thu của doanh nghiệp đã tăng gấp bốn lần trong vòng hai năm qua, giúp tăng thu nhập cho nhân viên và các nhà cung cấp.
Hai doanh nhân dân tộc thiểu số đến từ các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam này đã thực hiện được lời hứa cải thiện mức sống của cộng đồng chỉ trong vài năm bằng cách nào?
Bằng chứng cho thấy cần thay đổi về cách thức tiếp cận: hướng tới các giải pháp dựa trên thị trường để phát triển sinh kế tận dụng các chuỗi giá trị địa phương đầy tiềm năng. Ngân hàng Thế giới, phối hợp với Ủy ban Dân tộc thiểu số (CEMA) với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), đã tiến hành thử nghiệm các mô hình hỗ trợ mới cho các doanh nhân dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, tại Việt Nam.
Cuối năm 2018, một sáng kiến có tên Cuộc thi Ý tưởng Chuỗi Giá trị (VCIC) đã được khởi động nhằm thu hút các nguồn lực và hỗ trợ các đề xuất về khởi nghiệp xã hội. Các doanh nghiệp và hợp tác xã, như của Bế Phương Nga và Đinh Thị Huyền, có thể trình bày các ý tưởng của họ. Mười doanh nhân dân tộc thiểu số, trong đó có sáu phụ nữ, đã được lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: sức nặng của kế hoạch kinh doanh và tiềm năng tạo ra các bài học kinh nghiệm. Sáng kiến thí điểm này bao gồm một loạt các chuỗi giá trị tiềm năng cao - từ cây sả đến thịt bò, từ lúa gạo và chuối đến hàng thủ công mỹ nghệ. Trong vòng một năm rưỡi, mười “ý tưởng” này đã nhận được tư vấn kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ để triển khai thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình.
Những thách thức các doanh nhân này phải đối mặt có nhiều nét tương đồng. “Tôi thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quản lý kinh doanh” và “Tôi không biết cách tiếp cận khách hàng mới và vươn tới các thị trường mới,” là những quan ngại chung mà những doanh nhân tham gia sáng kiến chia sẻ. Dựa trên nhu cầu của họ, các doanh nhân này được đào tạo nhiều kỹ năng cần thiết, từ phát triển sản phẩm và chứng nhận đến quản lý hợp đồng, nghiên cứu thị trường và chiến lược tiếp thị.
Nhờ sự hỗ trợ chuyên sâu và dựa trên nhu cầu này, tất cả mười sáng kiến đã phát triển thành các doanh nghiệp thành công, doanh thu ít nhất tăng gấp đôi và số lượng nhân viên toàn thời gian cũng tăng gấp đôi và tạo ra tác động mang tính chuyển đổi đối với cộng đồng địa phương.
“Dự án cũng đã tạo ra một mạng lưới các sản phẩm của miền núi,” bà Đinh Thị Huyền, người đã tận dụng mọi cơ hội có thể để chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp địa phương khác, cho biết.
Sáng kiến này cũng cho thấy tiềm năng to lớn về việc áp dụng nhiều hơn các giải pháp kỹ thuật số hỗ trợ các doanh nhân và nông dân dân tộc thiểu số trong việc quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng ngoài tỉnh cũng như góp phần giải quyết những thách thức về thể chế, cơ sở hạ tầng và kiến thức. Để phát huy tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số, cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa, cung cấp các khóa đào tạo và sản phẩm kỹ thuật số phù hợp với bối cảnh, ví dụ dùng ngôn ngữ địa phương và loại sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan tại địa phương sẽ cần phải xây dựng năng lực kỹ thuật số để lập kế hoạch và giám sát, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã thúc đẩy thương mại điện tử.
Mặc dù các hoạt động của VCIC đã kết thúc, hành trình của những doanh nhân này và những doanh nhân dân tộc thiểu số khác mới chỉ bắt đầu. Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mang đến một cơ hội cụ thể để nhân rộng quy mô của phương pháp tiếp cận này. Hiệu quả từ những sáng kiến này sẽ khuyến khích Chính phủ tăng nhân rộng các phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị dựa trên thị trường khi thực hiện Chương trình MTQG.
“Hiện nay, tất cả người dân sống ở khu vực miền núi đều có thể đăng ký nhận các hình thức hỗ trợ tương tự như từ chương trình VCIC, chúng tôi biết rằng cách tiếp cận này hiệu quả”, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cho biết.
Bối cảnh mang lại thành công của VCIC có thể đặc thù, nhưng các bài học về việc tận dụng các giải pháp dựa trên thị trường và các cơ hội về thương mại điện tử cho các doanh nhân dân tộc thiểu số có thể áp dụng trên quy mô toàn cầu.
Join the Conversation