Việt Nam có thể học hỏi được gì từ Singapore về quản lý rủi ro ngập lụt

This page in:
Image
  Toàn cảnh công viên Bishan-Ang Mo Kio, Singapore. Ảnh: Stefan/Flickr

Đối với người dân Việt Nam, đất nước Singapore không chỉ là một "con rồng Châu Á" mà còn rất gần gũi nhờ mối quan hệ thân mật giữa lãnh đạo nước nhà với Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đứng đằng sau tất cả những thành công của Singapore ngày nay. Là biểu tượng của sự hiện đại và văn minh, đặc biệt với điều kiện tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Singapore là mô hình đáng để Việt Nam học tập trên con đường phát triển theo hướng cạnh tranh, bền vững và văn minh.
 


Với loạt sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Đô thị lần đầu tiên tổ chức bởi Ngân hàng Thế giới vào tháng 3/2016, Singapore chào đón lãnh đạo các thành phố từ khắp năm châu đến để cùng nhau tìm hiểu các phương pháp sáng tạo trong việc quy hoạch và quản lý đô thị. Một trong những chủ đề xuyên suốt các sự kiện này là quản lý rủi ro ngập lụt. Cùng các đại biểu khác, tôi đã được nghe về vai trò của các công trình hạ tầng xanh trong phương pháp chống ngập tích hợp, được cụ thể bằng những ví dụ sinh động từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Senegal và Hà Lan. Tại những quốc gia này, những công trình như hồ giữ nước, vỉa hè thẩm thấu, v.v. đã được dùng để hỗ trợ các biện pháp công trình truyền thống để giảm rủi ro ngập một cách hiệu quả và tiết kiệm. 

Singapore nâng khái niệm hạ tầng xanh lên một tầm cao mới bằng cách trực tiếp đưa những công trình này vào các dịch vụ đô thị, đưa người dân đến gần hơn với thiên nhiên. Phương pháp này được minh hoạ rõ bằng chuyến đi thực địa tới hai địa điểm thú vị. Đầu tiên, chúng tôi được đưa tới thăm Marina Barrage, hồ trữ nước thứ 15 của Singapore để phục vụ nhu cầu cung cấp nước, quản lý ngập và cả vui chơi trong một tiểu lưu vực rộng 10.000 hécta. Sau đó, chúng tôi qua Công viên Bishan rộng 62 héc ta đã được tái thiết kế dựa theo điều kiện thuỷ lực thủy văn và mực nước của hệ thống sông ngòi nhưng vẫn mang lại lợi ích cao nhất cho người dân sử dụng công viên. Hai công trình này đều đã thành công trong việc sử dụng tối đa các công trình hạ tầng xanh để phục vụ đời sống sức khỏe và tinh thần của người dân, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu trữ nước và chống ngập cho thành phố.
 
Công tác quản lý ngập hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của các đô thị Việt Nam, đặc biệt, tại miền duyên hải hay những vùng trũng tại Đồng bằng Sông Cửu Long với những khu vực xây dựng dày đặc đang phải chịu tác động kép của hệ thống thoát nước yếu kém và thủy triều thất thường do biến đổi khí hậu. Ở những địa phương này, các biện pháp công trình như kè bờ hoặc cải tạo hệ thống cống vẫn thường được sử dụng. Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận tích hợp đối với quản lý ngập cũng đang dần được các thành phố chú ý. Điển hình tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Quản lý Rủi ro ngập do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ sẽ tích hợp các biện pháp công trình và phi công trình để chống ngập cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát phía Tây thành phố. 

Trong quá trình chuẩn bị cho dự án này, một hội thảo cũng được tổ chức với sự tham gia của nhiều đơn vị có liên quan để giúp thành phố thiết kế một công viên đa chức năng bao gồm các khoảng trũng vừa làm hồ chứa nước tạm thời phòng khi mực nước kênh dâng cao, vừa là những khoảng xanh cho các hoạt động vui chơi khi cạn. Thiết kế này có thể tham khảo thêm những ví dụ như Công viên Bishan ở Singapore hay Hồ chứa Watarase ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, những thành phố nhỏ khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang thực hiện các dự án Nâng cấp Đô thị cũng có thể học hỏi từ các ví dụ này để các đầu tư hạ tầng xanh và thân thiện với thiên nhiên hơn nữa.

Rời Singapore, tôi hy vọng sớm có thể giới thiệu những ví dụ tuyệt vời này đến đối tác của chúng tôi tại Việt Nam, thậm chí có thể tổ chức một vài khoá đào tạo cho các cán bộ quản lý đô thị Việt Nam sang học về quy hoạch và xây dựng hạ tầng xanh ở Singapore. Dù đi sau trong công cuộc phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn có thể học được rất nhiều từ Singapore trong việc áp dụng các công trình xanh để trong một tương lai gần, người dân đô thị Việt Nam có thể sớm tận hưởng những không gian rất xanh trong thành phố mà không còn lo bị ngập nữa.   
 

Authors

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000