Tại sao Việt Nam cần thêm Doanh nhân Đổi mới sáng tạo

This page in:

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á. Vốn đầu tư mạo hiểm (VC) đã tăng nhanh trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi làn sóng đầu tư từ khắp khu vực. Các khoản đầu tư VC đạt mức kỷ lục về giá trị giao dịch (1,5 tỷ USD) và số lượng giao dịch (165) vào năm 2021, cả hai đều tăng mạnh so với những năm trước, trước khi giảm vào năm 2022 do khan hiếm vốn mạo hiểm toàn cầu. Các nhà đầu tư và quỹ quốc tế đã bị thu hút vào Việt Nam do có nhiều nhân tài kỹ thuật, mức lương tương đối thấp và thị trường nội địa rộng lớn. Việt Nam đã sản sinh ra bốn kỳ lân, trong lĩnh vực game (VNG và Sky Mavis) và thanh toán điện tử (VNLIFE và MoMo).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong khi hoạt động đầu tư VC đã phát triển, trong năm 2022 tỷ trọng đầu tư VC trên GDP vẫn thấp hơn nhiều so với các trung tâm khởi nghiệp phát triển hơn ở Đông Nam Á, ví dụ như Singapore và Indonesia (Hình 1). Khu vực tư nhân của Việt Nam tạo ra tỷ lệ doanh nghiệp mới tương đối cao nhưng có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực năng suất thấp và giá trị gia tăng thấp, như thương mại bán buôn và bán lẻ. Các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng tri thức hoặc công nghệ, vốn được thèm muốn nhờ khả năng tăng trưởng và tạo đột phá, vẫn còn hiếm có.

Hình 1: Đầu tư mạo hiểm trên 1.000 USD GDP (USD), năm 2022

Image 

Nguồn: Tổng hợp của tác giả dựa trên dữ liệu từ Do Ventures, NIC và Cento Ventures Research, 2023 và Ngân hàng Thế giới

Vậy tại sao Việt Nam nên nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Câu trả lời nằm ở tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một ngôi sao kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua và đã trải qua một trong những thời kỳ có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới (6,8% mỗi năm từ 1993 đến 2022), đồng thời giảm tỷ lệ dân số sống trong tình trạng nghèo cùng cực từ 45% xuống dưới 1% trong cùng giai đoạn đó. Tuy nhiên, mức năng suất lao động vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực (Hình 2). Để thu hẹp khoảng cách về năng suất và đạt được mục tiêu thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2045, Việt Nam cần một chiến lược kép: nâng cao năng lực của các công ty hiện có bằng cách áp dụng các phương pháp quản lý và công nghệ mới, và mở ra một giai đoạn mới với sự gia nhập của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng suất cao hơn.

Hình 2: Năng suất lao động mỗi giờ (tính bằng USD), 2020

Image 

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên dữ liệu của Tổ chức Năng suất Châu Á (2022).

Bằng cách cải thiện điều kiện gia nhập và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo năng suất cao, có thể chuyển đổi các ngành công nghiệp và đẩy mạnh năng suất. Kinh nghiệm toàn cầu (ví dụ như Chile và Hàn Quốc) đã chỉ ra rằng có thể tạo xúc tác và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn non trẻ. Phân tích gần đây của chúng tôi đã xác định một số thách thức cản trở sự gia nhập và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm:

· Khoảng cách về vốn: Mặc dù các khoản đầu tư mạo hiểm đã tăng lên nhanh chóng, các công ty ở giai đoạn đầu và cho các công ty khởi nghiệp dựa trên kỹ thuật hoặc công nghệ chuyên sâu vẫn gặp khó khăn về tiếp cận vốn.

·  Khó khăn về quy định pháp luật: Hạn chế về thành lập và vận hành các quỹ đầu tư trong nước gây khó khăn cho dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.

·  Ít doanh nghiệp xuất phát từ trường, viện: Hạn chế về nguồn lực cũng như khuôn khổ pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cản trở việc thành lập doanh nghiệp có nguồn gốc từ trường đại học và cơ sở nghiên cứu công lập.

· Doanh nghiệp xuất phát từ các trường đại học và viện nghiên cứu công lập của Việt Nam là rất hiếm.

Bất chấp những thách thức hiện có, doanh nhân Việt Nam đang bứt phá. Ví dụ, MiSmart, một công ty khởi nghiệp thành lập năm 2019, đã phát triển máy bay không người lái cho hệ thống giám sát nông nghiệp mặc dù không có nguồn tài trợ giai đoạn đầu trong nước cho các công ty khởi nghiệp dựa trên phần cứng.

Điều gì sẽ giúp các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thành công?

Báo cáo của chúng tôi gợi ý một số cải cách và sáng kiến quan trọng nhằm phát triện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hơn nữa:

1. Hỗ trợ khởi nghiệp: Định hướng lại hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp công để phát triển mạng lưới các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẵn sàng nhận đầu tư. Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam (Đề án 844) có thể thí điểm một chương trình tài trợ đối vốn để hỗ trợ số tiền bằng khoản đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân được công nhận khi họ đầu tư vào các dự án kinh doanh mạo hiểm giai đoạn đầu. Kinh nghiệm và bài học quốc tế có thể giúp thiết kế các sáng kiến công-tư hiệu quả. Đánh giá gần đây về Chương trình vườn ươm công nghệ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (TIPS) của Hàn Quốc cho thấy có thể lập các chương trình như vậy để hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2.  Cải cách quy định: Việt Nam cần giải quyết các rào cản quy định đối với việc thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư trong nước (Nghị định 38), đơn giản hóa thủ tục đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách quy định kinh doanh (Nghị quyết 68) để đơn giản hóa quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ.

3.  Liên kết đại học: Tạo điều kiện để trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập đóng góp nhiều hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng cách tăng năng lực các vườn ươm, cơ sở tăng tốc và trung tâm đào tạo khởi nghiệp tại trường đại học (thông qua các mô hình hợp tác công tư), và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáng đầu tư hơn. Kinh nghiệm gần đây của Serbia and Argentina có thể là những mô hình hay về cải thiện hợp tác giữa trường đại học và khu vực tư nhân và tăng cường đóng góp của hoạt động nghiên cứu vào tăng trưởng kinh tế.

Hành trình trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Việt Nam có thể phụ thuộc vào việc phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bằng cách giải quyết những thách thức hiện tại của hệ sinh thái và thực hiện các cải cách có mục tiêu, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng khởi nghiệp và duy trì thành công kinh tế.

Anwar Aridi

Senior Private Sector Specialist, Seoul Center for Finance and Innovation, World Bank

Daniel Querejazu

Consultant for Finance, Competitiveness, and Innovation

Vinh Quang Dang

Senior Private Sector Specialist

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000