Tôn vinh văn hóa địa phương - một cách mới để nâng cấp cơ sở hạ tầng

This page in:
Photo 1 Ta Quyt Bridge in Soc Trang Province. Photo Credit: Mary H. Clark Photo 1 Ta Quyt Bridge in Soc Trang Province. Photo Credit: Mary H. Clark

“Lần đầu tiên trong lịch sử, lễ hội linh thiêng ‘Ok Om Bok’ của chúng tôi được tổ chức tại chùa này,” Đại đức Sơn Thi nói với chúng tôi khi tham gia lễ khánh thành cầu Tạ Quýt. Thầy là sư trụ trì của chùa Tạ Quýt Mới.

Cây cầu mới đã thông xe, nối hai phần của xã Hồ Đắc Kiên, huyện Châu Thành ở phía nam tỉnh Sóc Trăng, giúp hơn 700 hộ gia đình tiếp cận đường chính trong chưa đầy 100 mét, thay vì phải đi 3 km như trước đây.

Được xây dựng trong phạm vi Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP), thiết kế đặc biệt của cây cầu – sử dụng biểu tượng hoa sen của người Khmer - biến nó thành một phần của ngôi chùa và đời sống văn hóa của người dân địa phương, thay vì chỉ là một khối  bê tông cốt thép cứng nhắc.

Biểu tượng văn hóa trong dự án LRAMP được sử dụng lần đầu tiên  khi cây cầu Tân Tây được xây dựng thuộc thị trấn Nam Phước của huyện Duy Xuyên, tỉnh miền trung Quảng Nam. Là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng trong dự án LRAMP, bắc qua sông Ba Ren, nó giúp nông dân mang sản phẩm của họ về nhà chỉ trong vài phút bằng xe đạp thay vì hàng giờ liền như trước. Và nó còn giống với một trong những đặc điểm kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn, niềm tự hào về văn hóa của dân tộc Chăm.

Việt Nam là quê hương của 53 nhóm dân tộc thiểu số, mỗi nhóm đặc trưng bởi một nền văn hóa và biểu tượng riêng biệt. Dự án LRAMP nhằm cải thiện kết nối và giảm chi phí đi lại cho người dân tộc thiểu số thông qua việc  xây dựng những cây cầu dân sinh nơi quê nhà của họ ở vùng nông thôn xa xôi. Kết hợp các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số địa phương trong thiết kế kỹ thuật nhằm tôn vinh văn hóa bản địa, nâng cao tinh thần làm chủ của người dân và làm chúng nổi bật hơn so với các công trình tương tự. Với tinh thần làm chủ mạnh mẽ và sự quen thuộc về văn hóa, người dân địa phương coi cây cầu  là của họ, nên họ sẵn sàng giúp đỡ bảo  trì tài sản hạ tầng công cộng này.

Xây dựng một cây cầu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, sự tham vấn rộng rãi với người dân địa phương, theo nguyên  tắc 3C (tiếng Anh là Comitment, Consultation, Cost) - cam kết, có tham vấn và chi phí

Cam kết. Giống như nhiều hoạt động khác, sự cam kết của cơ quan thực hiện là rất quan trọng để thực hiện dự án một cách thành công. Việc thực hiện sáng kiến này thậm chí cần sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa vì việc tích hợp các yếu tố văn hóa trong thiết kế và xây dựng cầu đòi hỏi thêm nhiều bước nghiên cứu và phê duyệt  của các cơ quan hữu quan ở các cấp. Do có ưu tiên cao đối với sự phát triển của các cộng đồng dân tộc thiểu số, Dự án  này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội, các bộ ngành và các cơ quan liên quan. Lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dành nhiều thời gian để xác định các  vị trí tiềm năng để xây cầu cũng như các biểu tượng  văn hóa đặc trưng đại diện cho các nhóm dân tộc thiểu hưởng lợi từ những cây cầu do dự án tài trợ.

Có tham vấn. Ở cấp độ cộng đồng, các cuộc tham vấn rộng rãi đã được tổ chức trong suốt vòng đời dự án trong quá trình  thực hiện dự án, về thông tin dự án, hỗ trợ cộng đồng và giám sát ở cơ sở. Cho đến nay, hơn 2.000 cuộc họp tham vấn đã được tổ chức, tạo ra sự ủng hộ  rộng rãi  từ cộng đồng i  đồng thời   đáp ứng  nhu cầu và ưu tiên của người dân. Các hoạt động tham vấn cũng đã được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm riêng có của địa phương,, với các bên liên quan đặc biệt như các nhà lãnh đạo tôn giáo, trưởng bản và doanh nhân.

Chi phí. Phần lớn các cây cầu được tài trợ trong dự án LRAMP có quy mô từ nhỏ đến trung bình nên các thiết kế kỹ thuật được chuẩn hóa  theo tiêu chuẩn  của Việt Nam. Lồng ghép thêm các khía cạnh văn hóa vào thiết kế cây cầu làm tăng chi phí trung bình khoảng 2,8%. Tuy nhiên,  đây được coi là một khoản đầu tư hợp lý vì những cây cầu mới này trở thành một địa điểm mới để có thể  quy tụ  người dân và tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sự kiện đặc biệt tại nhà văn hóa hoặc tại đền chùa. Vì vậy, trong khi chi phí xây có phần cao hơn, phần ủng hộ của người dân nhưhiến đất và tham gia bảo trì cộng đồng cũng có thể bù vào sự chênh lệch này.

Tính đến tháng 2 năm 2020, 1.799 cây cầu đã được hoàn thành và đang giúp cải thiện khả năng tiếp cận của 5,4 triệu người dân ở khu vực nông thôn của 51 tỉnh thành tham gia dự án. Nhìn chung, thời gian và chi phí đi lại đã giảm tới 85% và năng suất lao động đã tăng 15-20%, theo Bộ Giao thông Vận tải.

Trong số 1.799 cây cầu này, có 11 cây cầu được xây dựng với các biểu tượng  văn hóa  của các dân tộc thiểu số:  Cơ Tu, Mông, Chăm, Gia Rai, Thái và Khmer. Trong số nhiều lợi ích xã hội mà những cây cầu mang lại, người dân địa phương hiện dễ dàng sử dụng hệ thống  giao thông tốt hơn, và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế,  giáo dục, và thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân không còn phụ thuộc vào các thương nhân trung gian vì họ có thể bán sản phẩm của họ với giá tốt hơn (ước tính cao hơn 10% cho trái cây).

Mặc dù số  cầu mang các biểu tượng văn hóa  chỉ chiếm một tỷ lệ  nhỏ trong tổng số cây cầu được  xây dựng trong dự án LRAMP, nhưng cũng đủ để  thấy một cách tiếp cận khả thi giúp cho cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ đẹp hơn và bền vững hơn thông qua việc  tôn vinh văn hóa bản địa.

Nguồn tham khảo.

https://www.youtube.com/watch?v=t54GNVwnpe4&feature=youtu.be&fbclid=IwAR3jMOlWoV9iV8WPTiqw8OcyP-3iznVWyCMxZiM1WudcIaQFgmC0fyvp_js

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1659302351067373&id=100009628711022

https://www.facebook.com/chaobuoisang.thqh/videos/2357042797943147/

https://www.youtube.com/watch?v=CYULhBWuQ08&feature=youtu.be&fbclid=IwAR05Wx99ze7hgs6naToXHUyFluvblzauoJH0zz9Bd0qW9letXLggDdODZXc

https://dantri.com.vn/xa-hoi/am-anh-moi-lan-phai-qua-cay-cau-treo-reu-ra-20190310092227426.htm

https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/42823702-xay-cau-duong-cho-nguoi-ngheo.html

https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/42848702-xay-cau-duong-cho-nguoi-

https://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/42848702-xay-cau-duong-cho-nguoi-ngheo.html

https://vtv.vn/vtv9/niem-vui-lon-tren-chiec-cau-nho-2019112313160794.htm


Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000