Mỗi khi nghe tin lại một thảm hoạ thiên tai xảy ra – người chết và bị thương, nhà cửa và sinh kế bị tàn phá – tôi biết chúng ta cần hành động để giảm những thảm kịch này thay vì ngồi đợi thảm họa tiếp theo xảy ra.
Năm nay, cơ hội đó đã đến cùng với Hội nghị Thế giới về Giảm nhẹ Rủi ro Thảm họa thiên tai tại Sendai (Nhật Bản). Hội nghị có mục tiêu hoàn tất Khung Hành động Hyogo (HFA2) và đưa ra hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế hoạt động trên lĩnh vực quản lý rủi ro thảm hoạ thiên tai. Hội nghị sẽ là cơ hội giúp tăng cường công tác giảm nhẹ rủi ro thảm hoạ và chống đói nghèo.
Thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn – 2,5 triệu người chết và 4.000 tỉ USD trong vòng 30 năm qua, chưa kể đến tác động tiêu cực đến các nỗ lực phát triển.
Tại châu Á, tốc độ đô thị hoá nhanh cùng với qui hoạch thiếu đồng bộđã làm gia tăng đáng kể mức độ rủi ro của các thành phố, nhất là những thành phố tại các khu vực có mật độ dân số cao dọc bờ biển và lưu vực sông. Ví dụ, bão Hải Yến đã làm 7.350 người bị chết năm 2013 tại Phi-lip-pin và làm cho tỉ lệ nghèo tăng thêm 1,2%.
Ngày nay ta đã có các công cụ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ví dụ, Hệ thống Cảnh báo sớm về Sóng thần ở Ấn Độ Dương đã được xây dựng sau thảm hoạ sóng thần năm 2004 đã có thể gửi tín hiệu báo động chỉ trong 10 phút sau khi có bất kỳ động đất nào xảy ra. Hệ thống này kết nối với các trung tâm cảnh báo tại 28 quốc gia và giúp phần giảm thiệt hại về người.
Một báo cáo mới công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới đã sử dụng ảnh vệ tinh và bản đồ địa không gian để theo dõi biến đổi về sử dụng đất tại châu Á và cung cấp số liệu phục vụ qui hoạch và đầu tư.
Xây dựng khả năng đề kháng thiên tai là một khối công việc khổng lồ và là trách nhiệm chung của các chính phủ, các cộng đồng địa phương, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan khác.
Sáng kiến Đánh giá và Cấp vốn Rủi ro Thảm hoạ khu vực Thái Bình Dương (PCRAFI) – cùng với các đối tác như Nhật Bản, Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, Quỹ Giảm nhẹ Thiên tai và Tái thiết Toàn cầu (GFDRR) và Liên minh châu Âu – đã thu thập khối lượng thông tin địa không gian lớn nhất về rủi ro thảm họa khu vực các quốc đảo khu vực Thái Bình Dương.
Những số liệu này sẽ đóng góp vào dự án Thí điểm Bảo hiểm Rủi ro Thái Bình Dương, một cơ chế cấp khu vực cho phép các quốc gia thành viên được bảo hiểm trong các trường hợp động đất, sóng thần và bão từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Năm 2013, Tonga là nước đầu tiên nhận được số tiền đền bù bảo hiểm 1,27 tỉ USD dùng vào việc khắc phục thiệt hại do bão Ian gây ra.
Đồng thời các chương trình phát triển và nâng cấp quốc gia tại Indonesia, Philippines và Việt Nam đã giúp hàng trăm cộng đồng địa phương tiếp cận cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai của họ bằng các hệ thống cảnh báo sớm, đường lánh nạn và tập huấn cứu hộ khẩn cấp.
Ngân hàng Thế giới cũng tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong danh mục dự án của mình. Kể từ ngày 1/7/2014 toàn bộ các dự án Ngân hàng Thế giới phải rà soát lại xem có đề cập vấn đề giảm nhẹ thiên tai và rủi ro thời tiết hay không, và trên cơ sở đó điều chỉnh bổ sung vấn đề này.
Trong thời gian vài thập kỷ thới vấn đề nâng cao năng lực ứng phó sẽ là một cam kết ưu tiên trong phát triển bền vững và có trách nhiệm chứ không phải là câu nói cửa miệng của các tổ chức phát triển nữa. Sendai chính là địa điểm tốt nhất để cùng nhau nhận thức đầy đủ mức độ cấp thiết và lợi ích của việc đầu tư tăng cường sức đề kháng.
Join the Conversation