Published on The Water Blog

Hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đảm bảo an ninh nguồn nước: Một hành trình chuyển đổi

This page in:
Thanks to World Bank support, 436 irrigation dams across Vietnam have improved safety conditions to cope with future threats from climate change and global warming, resulting in 4.3 million people now better protected from potential dam failures. Photo: Paul Smith / World Bank Thanks to World Bank support, 436 irrigation dams across Vietnam have improved safety conditions to cope with future threats from climate change and global warming, resulting in 4.3 million people now better protected from potential dam failures. Photo: Paul Smith / World Bank

Nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã có những tiến triển đáng kể trong ba thập kỷ qua. Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh và thích ứng với những thách thức mới và phức tạp hơn. Hành trình này trải dài từ những ngày đầu của quá trình phát triển tài nguyên nước để phục vụ các thành phố và thị trấn, cho đến việc cải tạo hệ thống thủy lợi nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực cũng như đầu tư vào công tác quản lý nước thải đô thị, thoát nước, cấp nước nông thôn và phục hồi đập. Hành trình hiện đang tập trung vào việc chuyển sang xây dựng khả năng phục hồi đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Sự tiến triển thể hiện rõ ở các khu vực thành thị, nơi gần như tất cả cư dân đều được tiếp cận nguồn nước sạch đáng tin cậy. Nhưng tình hình ở khu vực nông thôn lại kém khởi sắc hơn với chỉ khoảng 44% dân số nông thôn, tức khoảng 28,5 triệu người được tiếp cận nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung. Điều ngạc nhiên là 56% cư dân nông thôn (khoảng 36,3 triệu người) đang phụ thuộc vào nguồn nước không an toàn từ các hệ thống cấp nước hộ gia đình.  Mối nguy từ tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng khi chỉ có 15% nước thải đô thị được xử lý.

Theo Chương trình Đối tác An ninh Nước và Vệ sinh Toàn cầu (GWSP), biến đổi khí hậu càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn với những rủi ro từ việc mực nước biển dâng, bão lớn, lũ lụt và nhiễm mặn. Công tác quản lý nước trong nông nghiệp không hiệu quả cũng góp phần làm tăng lượng phát thải nhà kính của đất nước.

Những thách thức trong vấn đề nguồn nước của Việt Nam có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong tương lai khoảng 6% mỗi năm vào năm 2035. Những thách thức lớn liên quan đến nước:

  • Hạn hán:  Tình trạng căng thẳng về nguồn nước trong mùa khô ở các lưu vực sông chính, nơi cung cấp 80% GDP của cả nước, được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ tới.
  • Ô nhiễm:  Ô nhiễm là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế quốc gia và sức khỏe con người, với mức giảm GDP ước tính là 3,5% mỗi năm vào năm 2035.
  • Lũ lụt: Việt Nam đối mặt với rủi ro và chi phí ngày càng tăng do các hiểm họa liên quan đến khí hậu, đặc biệt là bão lũ. 

Nếu không có những bước đi quyết liệt, nguồn nước có thể sẽ là một trở ngại trong khi vốn dĩ đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam.  Tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam dựa vào khả năng tăng trưởng không chỉ nhanh hơn mà còn hiệu quả hơn.  Trọng tâm của quá trình này sẽ là đảm bảo an ninh nguồn nước - quản lý tài nguyên nước bền vững; cải thiện việc cung cấp dịch vụ nước cho lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, sinh hoạt và những người dùng khác; đồng thời xây dựng khả năng phục hồi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu về quản trị của Ngân hàng Thế giới; Viet Nam: Hướng tới hệ thống nước thích ứng, sạch và an toàn (2019), hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và thực hiện các khuyến nghị chính về thể chế, cơ sở hạ tầng, cơ chế ưu đãi và thông tin. Nghiên cứu do Chương trình Đối tác hỗ trợ cũng cung cấp phương tiện giúp tận dụng và tích hợp đổi mới vào các hoạt động lẫn chính sách, đồng thời mang lại tính linh hoạt nhằm thích ứng với tình trạng không ổn định, ứng phó với các vấn đề mới và cấp bách cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các Bộ ngành về an ninh nước.

Sửa chữa và nâng cao an toàn đập
Sửa chữa và nâng cao an toàn đập

Cụ thể, Chương trình GWSP hỗ trợ xây dựng và thực thiện Quy hoạch Tổng thể Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, sửa đổi Luật Quốc gia về Tài nguyên Nước cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp dựa vào Thiên nhiên để quản lý ngập lụt tổng hợp ở khu đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và đảo Phú Quốc. Chương trình GWSP thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào công tác quản lý ô nhiễm nguồn nước và giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.  Do ngành này đóng góp 1/3 lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam nên nỗ lực này sẽ là nền tảng cho việc chuẩn bị chuyển sang mô hình nông nghiệp các-bon thấp của quốc gia.

Chương trình GWSP tích cực tham gia vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn nước trong nông nghiệp, thiết kế và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống nước nông thôn, đồng thời đóng góp vào kế hoạch cũng như tính bền vững trong các chương trình, dự án cho vay của Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực này. Những nỗ lực này rất cần thiết để giải quyết các thách thức liên quan đến nguồn nước tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam. Hoạt động phân tích và hợp tác trong các lĩnh vực này đã tạo ra những tác động tích cực trong khu vực.

Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn
Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn

Đơn cử, dự án Mở rộng Quy mô Vệ sinh và Nước Sạch Nông thôn Dựa trên Kết quả đã kết nối 1,2 triệu người với các hệ thống nước bền vững và xây dựng 288.000 điểm đấu nối nguồn cấp nước mới. Dự án cũng giúp 4,2 triệu người ở hơn 700 xã tiếp cận được hệ thống vệ sinh toàn xã, đồng thời xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hơn tại 300.000 hộ gia đình và 1.600 trường học. Tương tự, dự án Sửa chữa và Nâng cao An toàn Đập đã cải thiện các điều kiện an toàn của 436 đập thủy lợi nhằm trang bị khả năng đối phó với các mối đe dọa trong tương lai do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nỗ lực này hiện đang bảo vệ 4,3 triệu người khỏi nguy cơ vỡ đập. Mặt khác, dự án Quản lý Chất thải và Rủi ro Ngập lụt tại Vĩnh Phúc hướng đến cải thiện điều kiện sống tại khu đô thị, bảo vệ hơn 632.000 người khỏi nguy cơ ngập lụt và cải thiện các cơ sở vệ sinh cho 121.000 người.

Quản lý chất thải và rủi ro ngập lụt tại Vĩnh Phúc
Quản lý chất thải và rủi ro ngập lụt tại Vĩnh Phúc

Chuyển đổi hướng tới an ninh ngành nước tại Việt Nam

Để đạt được an ninh nguồn nước, ngành nước của Việt Nam phải có sự thay đổi mang tính chuyển đổi. Vào năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kết luận số 36 về “Bảo đảm An ninh Nguồn nước và An toàn Đập, Hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tập trung vào các yếu tố chính để chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, có khả năng phục hồi và toàn diện. 

Ngân hàng Thế giới thông qua Chương trình Đối tác An ninh Nước và Vệ sinh Toàn cầu tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong hành trình này, tập trung vào quản lý tài nguyên nước tổng hợp để giải quyết nhiều vấn đề về nước liên đới, đồng thời cải thiện dịch vụ nước cho cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới còn hỗ trợ Chính phủ giải quyết các tác động tàn phá của ô nhiễm, lũ lụt và hạn hán ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ hiện tại của Chương trình Đối tác An ninh Nước và Vệ sinh Toàn cầu được gói gọn trong ba trụ cột, trong đó thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là trụ cột xuyên suốt. Trụ cột đầu tiên là duy trì tài nguyên nước và quản lý ô nhiễm nước, trụ cột thứ hai là tăng năng suất cũng như hiệu quả sử dụng nước, và trụ cột thứ ba là đảm bảo an ninh nguồn nước cho các khu dân cư thành thị và nông thôn.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong hầu hết Mục tiêu Phát triển Bền vững 6.  Các chương trình Đối tác như GWSP đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đạt được an ninh nguồn nước tại Việt Nam. Tận dụng các nguồn tài chính mới, bao gồm cả từ khu vực tư nhân, có thể giúp giải quyết những thách thức lớn và hỗ trợ vai trò của an ninh nguồn nước trong tham vọng trở thành một nền kinh tế sạch, có khả năng phục hồi và toàn diện của Việt Nam.


Authors

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000