Published on Voices

“Một phải, năm giảm” – khẩu hiệu sản xuất nông nghiệp bền vững

This page in:
A woman measures greenhouse gas emissions on a rice farm in Vietnam.
Đo mức phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.


Khẩu hiệu đúng có thể làm thay đổi nhiều thứ. Ở Việt Nam, câu khẩu hiệu về phương thức canh tác lúa gạo ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu đã giúp nông dân nâng cao lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngân hàng Thế giới đã phát hiện ra việc này thông qua dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) ở Việt Nam, ở đó dự án đã ứng dụng thành công kỹ thuật trồng lúa với các giai đoạn ngập- khô xen kẽ. Kỹ thuật canh tác này dự trên nguyên tắc sử dụng ít nước tưới, giảm lượng phân bón, và quản lý tốt hơn các phế phẩm từ sản xuất lúa để làm giảm mức phát thải khí mê-tan và ô-xit ni-tơ từ các cánh đồng lúa. Để áp dụng được công nghệ này cần phải huy động được sự tham gia của toàn bộ cộng đồng một cách có hệ thống qua đó có thể rút được nước từ ruộng và để khô nhiều lần trong một vài tuần. Đây là điều mà ít được làm trước đây trong cách canh tác lúa truyền thống. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa ngập- khô xen kẽ không chỉ giúp rễ cây lúa phát triển tốt hơn mà còn giúp làm giảm thời gian ngập nước trong ruộng qua đó giảm được lượng phát thải khí mê-tan.


“Một phải, năm giảm”

Dự án ACP đã hỗ trợ cách tiếp cận mới của Chính phủ trong sản xuất lúa gạo theo hướng “Một Phải – Năm Giảm”, tức là sử dụng giống lúa có chứng nhận (một phải) và thực hiện năm giảm (giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, nước tưới qua kỹ thuật ngập-khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, và giảm thất thoát sau thu hoạch). Đây được xem là chiến lược chính để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất lúa gạọ ở Việt Nam.

Để áp dụng được kỹ thuật trồng lúa ngập-khô xen kẽ thì điều cần thiết đầu tiên là tạo được lòng tin và sự tham gia của cộng đồng thông qua các tổ nhóm sản xuất bao gồm các hộ nông dân sản xuất nhỏ với diện tích trung bình khoảng 0,6 hecta mỗi hộ. Nông dân được tập huấn thông qua các lớp học đầu bờ theo phương châm  “Có thấy mới tin”. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là công tác khuyến nông cho nông dân trong các hợp tác xã để nâng cao nhận thức của họ về quản lý nước tưới trong canh tác lúa.

Khẩu hiệu tốt đã mang lại kết quả 

Nhờ vào thay đổi hành vi trong sản xuất, chi phí sản xuất đầu vào của nông dân đã giảm khoảng 20%, năng suất tăng 5-10%, và thu nhập của nông dân tăng đến 30%. Thông qua tập huấn và khuyến nông, dự án đã hỗ trợ trên 33.000 nông dân tại 2 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong 3 vụ lúa liên tiếp, qua đó cũng đã giúp nông dân nhận thức tốt hơn về giảm khí phát thải nhà kính thông qua các biện pháp quản lý nước tưới phù hợp.​

Hướng tới tương lai

Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt một dự án tiếp theo nhằm nhân rộng kết quả của ACP ra toàn bộ 8 tỉnh trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Với sự thành công của kỹ thuật ngập-khô xen kẽ trong sản xuất lúa gạo, dự án tiếp nối “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (Vietnam Sustainable Agriculture Transformation Project, VnSAT) có tiềm năng mở rộng sang các mô hình khác (luân canh lúa và hoa màu, quản lý trồng trọt, sử dụng than sinh học và quản lý phân bón) nhằm giảm hơn nữa lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, dự án vnSAT sẽ cùng với các công nghệ nông nghiệp thông minh khác thúc đẫy phát triển xây dựng một cơ chế tài chính cho các chương trình hành động cấp quốc gia, các chương trình phát triển mà ít gây khí phát thải tại các nước, giúp các chính phủ cam kết hơn đối với mục tiêu giảm khí phát thải và thử nghiệm chi trả cho các dịch vụ môi trường. 


Authors

Chris Jackson

Lead Economist and Cluster Leader

Rama Chandra Reddy

Senior Carbon Finance Specialist

Binh Thang Cao

Senior Agricultural Specialist

Join the Conversation

The content of this field is kept private and will not be shown publicly
Remaining characters: 1000